Khi đôi mắt xanh non của những cá thể rừng dần mất đi, đó cũng là khi ta cần xóa bỏ “lớp màng” đang che lấp đôi mắt lương tri, kết nối với nhau, cùng nhau hành động.
“Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non…”
Trong thi phẩm nổi tiếng “Đôi mắt xanh non”, nhà thơ Xuân Diệu luôn bắt đầu mỗi khổ bằng câu thơ này. Khi ta nhìn cuộc đời bằng đôi mắt xanh non của con trẻ, ta sẽ thấy được những điều trong trẻo, thuần khiết nhất. Đó đều là những điều tươi đẹp mà với đôi mắt thường tình, ta sẽ khó mà thấy được. “Đôi mắt xanh non” cũng chính là lăng kính thơ ngây của những loài thú được sinh ra từ cánh rừng hoang sơ nguyên thủy, trong đôi mắt chúng, rừng xanh hùng vĩ mãi là mái nhà ấm êm.
Thế nhưng trong bối cảnh đời sống hiện đại ngày nay, thật khó để giữ lại một đôi mắt màu xanh non đúng nghĩa. Những tính suy tầm thường đã làm “vẩn đục” đôi mắt của chúng ta, khiến chúng ta vô tình tước đi những chiếc sừng, chiếc vảy, thậm chí là mái nhà xanh thẳm của muôn loài thú. Những đôi mắt xanh biếc bóng rừng giờ đây chỉ còn là những ánh mắt sợ hãi, mờ nhòe, và có khi mãi mãi chìm trong bóng tối.
Trước thực trạng rừng đang dần bị thu hẹp, nạn săn bắt động vật trái phép ngày càng phổ biến, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên đang ra sức áp dụng, phát huy vai trò của hoạt động “tái hoang dã”. Đây là hoạt động tìm kiếm những cá thể động vật không may bị tổn thương về tâm lý, thể chất do tác động ngoại cảnh, hoặc những cá thể là “nạn nhân” của hoạt động săn bắt trái phép, đưa về các khu bảo tồn thiên nhiên để điều trị và chăm sóc đặc biệt. Sau khi phục hồi, đủ điều kiện tái hòa nhập với môi trường tự nhiên, các cá thể khỏe mạnh sẽ được trao trả về rừng. Hoạt động tái hoang dã không chỉ đảm bảo duy trì đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái, mà còn giúp giữ lại rất nhiều đôi mắt màu xanh non của những đứa con được sinh ra từ rừng.
Những đôi mắt cùng nhìn về một hướng
Được mệnh danh là “thủ đô bảo tồn” của Việt Nam, Vườn Quốc gia Cúc Phương cũng chính là một trong những “lá cờ đầu” trong công tác cứu hộ, phục hồi, huấn luyện giúp các cá thể hoang dã đủ khả năng quay về môi trường tự nhiên. Ông Nguyễn Văn Chính – Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương cho biết: “Đến nay, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã thực hiện hàng trăm đợt tái thả với số lượng hàng nghìn cá thể của nhiều loại khác nhau tại rừng nguyên sinh Cúc Phương và nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên khác trên cả nước. Trong đó, có rất nhiều loài động vật quý hiếm nguy cấp, điển hình là linh trưởng, rùa cạn và rùa nước ngọt, thú ăn thịt, tê tê, công má vàng, gà lôi trắng…”. Để đạt được những thành quả trên, Vườn đã nhận được sự đóng góp thầm lặng của rất nhiều chuyên gia, cán bộ, cũng như sự hợp tác, hỗ trợ của nhiều tổ chức, trong đó có Menard Việt Nam.
Luôn nỗ lực kiến tạo các giá trị bền vững cho cộng đồng, vào năm 2022, thương hiệu mỹ phẩm cao cấp từ Nhật Bản lần đầu tiên đồng hành Vườn Quốc gia Cúc Phương trong hoạt động tái hoang dã các cá thể quý hiếm, quyên góp vào Quỹ bảo tồn cho Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển Sinh vật thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương, đồng thời nhận bảo trợ một số cá thể có “câu chuyện đặc biệt”. Vào ngày 1/4/2023 vừa qua, Menard Việt Nam đã có cuộc hội ngộ tại “thủ đô bảo tồn” trong chương trình mang cái tên đầy ý nghĩa “Những đôi mắt xanh non”. Được về thăm “nhà”, thăm lại “người thân”, Menard không khỏi xúc động trước tình cảm, ánh nhìn đầy bao dung của mẹ thiên nhiên. Chính tình cảm ấm áp này đã làm lay động, kết nối biết bao trái tim yêu rừng.
Năm nay, hoạt động không chỉ có sự tham gia của các Tri kỷ gắn bó với Menard như Đạo diễn Cao Trung Hiếu, Giám đốc Sáng tạo Nam Trung, Hoa hậu Tiểu Vy,… mà còn có sự đồng hành của những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam như PGS.TS Hà Đình Đức (Nhà giáo ưu tú, Giảng viên cao cấp khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội), GS.TS. Vũ Tiến Thịnh (Trưởng khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường, Trường Đại học Lâm nghiệp), ông Nguyễn Văn Thái (Giám đốc tổ chức Save Vietnam’s Wildlife). Menard và những khách mời đặc biệt trong hành trình này là những cá nhân, tổ chức đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực riêng biệt, song họ đã gặp gỡ, “gieo” nên những mối duyên lành bởi có một điểm chung – luôn hướng trái tim và ánh nhìn về mẹ thiên nhiên.
Trong khuôn khổ sự kiện, bà Lê Thanh Hương – Tổng Giám đốc Menard Việt Nam chia sẻ đầy cảm xúc: “Đứng trước thiên nhiên, ngắm nhìn đôi mắt trong veo của những sinh thể nhỏ bé, chúng tôi – những người cùng chí hướng biết rằng sứ mệnh của mình là bảo vệ những hạt mầm của sự sống. Tôi thật sự biết ơn vì đến hôm nay, chúng tôi đã làm được, dù chỉ là một điều rất nhỏ bé để bảo vệ và gieo trồng những mầm xanh. Cuộc sống sẽ trọn vẹn hơn mỗi ngày khi chúng ta cùng nhau gieo hy vọng và mầm sống cho chính thế hệ tương lai”.
Giây phút những cá thể động vật trở về tổ ấm sau thời gian dài phải rời xa thế giới tự nhiên, trong mỗi người đều trào dâng một xúc cảm khó diễn đạt thành lời. Và trong chính khoảnh khắc ấy, khi những đôi mắt trong veo chạm nhau, thật hạnh phúc khi nhận ra rằng đôi mắt của chúng ta đều đã hóa màu xanh non.
Mỹ Anh/Lifestyle