Doanh nghiệp “ít tuổi” huy động hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu
Mới đây, Công ty Cổ phần Xây dựng Kiến Hưng Thịnh (viết tắt là Kiến Hưng Thịnh) thông báo hoàn tất phát hành 2 lô trái phiếu có mã KHTCB2223001 và KHTCB2223002, với tổng giá trị 3.610 tỷ đồng, kỳ hạn 18 tháng.
Đáng nói, quá trình chào bán 2 đợt trái phiếu của doanh nghiệp bí ẩn này chỉ diễn ra trong 2 ngày, từ 30/3 đến 31/3. Còn lại các thông tin chi tiết về lãi suất, tài sản đảm bảo, trái chủ, bên thu xếp phát hành… đều không được Kiến Hưng Thịnh công bố công khai trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Dù vậy, theo dữ liệu của VietnamFinance, ngay trước thời điểm tiến hành phát hành trái phiếu, ngày 29/3, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) – Khối khách hàng doanh nghiệp quy mô vừa đã nhận tài sản bảo đảm của Kiến Hưng Thịnh là các quyền tài sản, khoản phải thu từ việc đặt cọc và nhận chuyển nhượng dự án thành phần từ chủ đầu tư không mấy xa lạ trên thị trường bất động sản, đó là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp).
SDI Corp nổi danh với vai trò chủ đầu tư dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An, nằm liền kề sông Rạch Chiếc và cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây, thuộc thành phố Thủ Đức. Khu đô thị Sài Gòn Bình An từng được Sacombank định giá lên tới gần 19.500 tỷ đồng.
Dự án này tiền thân là khu liên hợp sân golf – thể dục thể thao và nhà ở (tên thương mại là Saigon Golf Country Club and Residences), được Thủ tướng Chính phủ giao cho SDI Corp đầu tư từ năm 2001.
Theo quy hoạch, dự án được chia làm 2 khu vực: khu nhà ở diện tích 22 ha với 193 nền nhà biệt thự, nhà liên kế sân vườn và 2 blocks chung cư với 132 căn hộ cao cấp và 8 căn penthouse; khu liên hợp sân golf rộng hơn 92 ha với các công trình như câu lạc bộ sân golf, khu nghỉ dưỡng spa, sân golf 18 lỗ, khách sạn 400 phòng…
Tuy nhiên, sau đó, dự án đã được UBND TP. HCM điều chỉnh quy hoạch và đổi tên thành khu đô thị Sài Gòn Bình An. Đến tháng 3/2021, sau 2 thập kỷ “trùm mền”, SDI Corp đã tổ chức lễ khởi công xây dựng dự án này, tổng thầu là Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Tường Việt, thầu xây dựng chính là Công ty Cổ phần Xây dựng An Phong.
Trước chuyển biến mới, những năm gần đây, cấu trúc thượng tầng của SDI Corp cũng chứng kiến sự thay đổi lớn. Theo đó, năm 2020, ông Bùi Đức Khoa nhận ghế chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc từ ông Dương Minh Hùng. Không lâu sau đó, vị trí này một lần nữa đổi từ ông Bùi Đức Khoa sang bà Mai Thị Kim Oanh – Trưởng ban kiểm soát của Masterise Group.
Tại diễn biến liên quan, ngày 4/1/2022, SDI Corp cũng huy động thành công 6.574,6 tỷ đồng từ kênh trái phiếu, với kỳ hạn 36 tháng. Phát hành ngày 15/12/2021, đáo hạn vào ngày 15/12/2024.
Trong khoảng thời gian phát hành cho đến khi hoàn tất, Techcombank cũng nhận thế chấp hàng loạt dự án thành phần tại khu đô thị Sài Gòn Bình An từ SDI Corp, bao gồm tất cả các quyền tài sản phát sinh, tất cả các khoản lợi, lợi ích, quyền nhận các nguồn thu, các khoản thu nhập của dự án…
Năng lực tài chính của Kiến Hưng Thịnh
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Xây dựng Kiến Hưng Thịnh được thành lập ngày 9/6/2020, với tên gọi ban đầu là Công ty Cổ phần Well Merit, tức đến nay chưa đầy 2 năm tuổi.
Vốn điều lệ khi ấy của Kiến Hưng Thịnh là 330 tỷ đồng, góp bởi 3 cá nhân là bà Lê Thị Mao (1969) với 181,5 tỷ đồng (55% cổ phần), ông Đặng Vang Danh (1992) với 82,5 tỷ đồng, ông Lê Trung Thiện với 66 tỷ đồng còn lại. Trong đó, bà Mao là tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Số liệu VietnamFinance nắm được cho thấy, kết thúc năm đầu tiên hoạt động, Kiến Hưng Thịnh không ghi nhận doanh thu. Khấu trừ chi phí và thuế, doanh nghiệp lỗ ròng 632,2 triệu đồng.
Tính đến cuối năm 2020, bên cạnh vốn chủ sở hữu 329,3 tỷ đồng, nợ phải trả của Kiến Hưng Thịnh ở mức 422 tỷ đồng, với toàn bộ là nợ ngắn hạn. Tổng tài sản tại thời điểm này là 751,3 tỷ đồng, cấu thành từ 749,4 tỷ đồng phải thu ngắn hạn.
Sang đến năm 2022, ngày 8/4 mới đây, Kiến Hưng Thịnh tiến hành tăng vốn điều lệ từ 330 tỷ đồng lên 1.234,9 tỷ đồng. Như vậy, động thái tăng vốn diễn ra sau một tuần doanh nghiệp nhận được dòng tiền “khủng” hơn 3.600 tỷ đồng từ kênh trái phiếu đã đề cập phía trên.
Ngoài Kiến Hưng Thịnh, bà Lê Thị Mao còn sở hữu cổ phần tại Công ty Cổ phần Nhất Trường Phú, Công ty Cổ phần Xây dựng Trường Vĩnh Phát của ông Đặng Vang Danh. Còn ông Lê Trung Thiện hiện đứng tên ở Công ty Cổ phần Great Victoria, doanh nghiệp của bà Đinh Thị Kim Thoa (1960).
Tương tự Kiến Hưng Thịnh, giai đoạn cuối 2021 – đầu 2022, Công ty Cổ phần Airlink và Công ty Cổ phần WorldWide Capital cũng đem thế chấp tất cả các quyền tài sản và khoản phải thu phát sinh từ việc đặt cọc và nhận chuyển nhượng dự án thành phần từ SDI Corp cho Techcombank. Trong giai đoạn này, 2 pháp nhân trên “hút” về dòng trái phiếu lên đến 7.220 tỷ đồng.
Vân Oanh / Vietnamfinance