Ôm đất khu vực này từ đỉnh, nhiều nhà đầu tư muốn cắt lỗ, cơ hội “bắt đáy” đón làn sóng phục hồi xuất hiện


Trong bối cảnh khi thị trường bất động sản ở khắp nơi giá đang tăng nóng thì tại Đà Nẵng chỉ nhích lên nhẹ sau khi giảm sâu 2 năm trước, nhiều nhà đầu tư mua đỉnh muốn thoát hàng đều phải cắt lỗ. Giá BĐS xuống thấp khiến nơi này được xem là vùng trũng trong cơn sốt đất vừa qua, trở thành thị trường được đánh giá có nhiều tiềm năng bật lên so với nhiều tỉnh thành khác.

Trong 2 năm, trải qua liên tiếp 4 đợt dịch bệnh Covid – 19 đã khiến thị trường bất động sản Đà Nẵng kém sôi động hơn trước. Nhiều nhà đầu tư đang ôm đất tại khu vực này từ lúc đỉnh, cũng đang phải đau đầu tìm cách thoát hàng trong một thời gian dài nhưng thị trường chưa được nhà đầu tư quan tâm.

bds Ôm đất khu vực này từ đỉnh, nhiều nhà đầu tư muốn cắt lỗ, cơ hội bắt đáy đón làn sóng phục hồi xuất hiện

Nhiều nhà đầu tư mua đỉnh, muốn thoát hàng phải cắt lỗ

Anh Quang (Khánh Hòa) cho biết, từ khi hết giãn cách đến nay, anh rao bán lô đất tại khu vực quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) nhưng vẫn chưa bán được và rất ít người hỏi mua.

“Trước khi dịch bệnh xuất hiện (cuối năm 2019), tôi đã xuống 5 tỷ đồng để mua 2 lô đất này. Đến nay là gần 2 năm đầu tư, tưởng rằng đã có lãi nên tôi tìm tới môi giới để nhờ họ rao bán giúp.

Tuy nhiên, từ tháng 10/2021 đến nay, 2 lô đất của tôi vẫn nằm bất động và chưa tìm được chủ mới, thậm chí còn rất ít người quan tâm hỏi mua. Môi giới còn khuyên muốn bán nhanh phải cắt lỗ”, anh Quang kể.

Tương tự anh Quang, anh Lê Nam – nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, anh cũng đang rao bán một lô đất tại phường Xuân Hòa (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) nhưng nhiều tháng nay vẫn chưa có người mua. Anh Nam chia sẻ, lô đất của anh mua từ năm 2019, có diện tích 100m2 với mức giá 2,8 tỷ đồng. Từ giữa năm 2021, khi gia đình cần tiền anh đã rao bán nhưng đến nay vẫn chưa bán được.

“Môi giới nói với tôi bây giờ bán bằng giá hoặc cắt lỗ một ít thì mới có khách hàng mua nếu không phải chờ đến khi du lịch hoạt động mạnh trở lại mới có thể. Nếu bán bằng giá thì sau gần 3 năm đầu tư tôi không có lãi mà tiền bị chôn một chỗ, có thể nói là tôi bị lỗ”, anh Nam chia sẻ.

Anh nghiệp – Môi giới bất động sản tại Đà Nẵng cũng cho biết, trải qua 2 năm dịch bệnh, giá bất động sản tại Đà Nẵng tiếp tục có dấu hiệu đi xuống khi giá nhiều khu đất bắt đầu giảm từ 30 – 35% so với thời kỳ đỉnh cao đầu năm 2019.

Người môi giới này cho hay, các Khu vực Nam Hoà Xuân, Nam Cầu Nguyễn Tri Phương, Hoà Xuân,… vẫn có giao dịch nhưng rất ít và giá cũng giảm từ 20 – 35% so với đầu năm 2019. Khu vực ven biển trung tâm quận Ngũ Hành Sơn: giá giảm đáng kể từ 25 – 30% nhưng gần như không có giao dịch. Khu vực ven biển Tân Trà, Đông Hải quận Ngũ Hành Sơn giá giảm từ 20 – 30%.

Cơ hội “bắt đáy”

Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, thị trường Đà Nẵng trong năm 2021 đã có dấu hiệu hồi phục sau thời gian suy giảm do dịch bệnh.

“Bất động sản Đà Nẵng những năm qua sốt giá chung với cả nước nhưng thực tế không ảo bằng một số địa phương. Đây là thị trường được đầu tư sớm, trong bối cảnh nguồn hàng ít, lực cầu nhiều thì Đà Nẵng vẫn là thị trường tiềm năng, tạo được sức hút nhờ giá cả phần nào được kiểm soát”, ông Đính phân tích.

Đặc biệt, có một nghịch lý khó hiểu là giá đất ở Đà Nẵng nhìn chung còn thấp hơn cả một số khu vực ở tỉnh lẻ như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.

Cụ thể, giá mỗi lô đất ở khu vực Bảo Ninh (Quảng Bình) được đấu giá lên tới 9 – 22 tỷ đồng cho 200 – 300m2; giá đất ở đường Hùng Vương (TP. Đông Hà, Quảng Trị) cũng có giá đất sốt 9 – 15 tỷ đồng/lô.

Trong khi đó, tại Hòa Xuân, Hòa Liên (Đà Nẵng) đất quy hoạch đẹp, hiện đại lại đang có giá dao động từ 1,7 tỷ đến 3 tỷ đồng/lô, tùy tiện ích có khu vực lên tới 7 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy giá đất tại đây đang rất thấp so với một số tỉnh, thành miền Trung, phản ánh chưa tương xứng với một đô thị như Đà Nẵng.

Tuấn Minh / Trí thức trẻ


Các tin cùng chuyên mục