Thị trường chứng khoán được vận hành bởi niềm tin và hy vọng về tương lai. Và ngay bây giờ các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nhỏ lẻ đều đang tin rằng đại dịch sẽ kết thúc khi có vắc xin.
Trong khi giá cổ phiếu đạt mức cao kỷ lục, nền kinh tế Mỹ cơ bản vẫn có dấu hiệu suy yếu do sự đình trệ mà đại dịch COVID-19 gây ra. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức trên 10%, và sự sụt giảm 32,9% trong tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ trong quý thứ hai là tồi tệ nhất trong lịch sử. Chỉ số S&P 500 đã đạt đến mức cao nhất mọi thời đại, theo sau là Nasdaq 100 cũng lập kỷ lục khi mà các cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà phục hồi của thị trường kể từ mức đáy lập ngày 23 tháng 3.
Vậy tại sao lại có thể có sự khác biệt rõ rệt giữa mức cao nhất của thị trường chứng khoán và nền kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái?
Trong một báo cáo được công bố vào thứ Hai, LPL Financial đã đưa ra bốn lý do giải thích cho sự khác biệt giữa thị trường và nền kinh tế.
1/ Niềm tin về một tương lai tươi sáng hơn
Thị trường chứng khoán được vận hành bởi niềm tin và hy vọng về tương lai. Và ngay bây giờ các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nhỏ lẻ đều đang tin rằng đại dịch sẽ kết thúc khi có vắc xin và với sự trợ giúp từ các phương pháp điều trị tốt hơn trong thời gian tới. Do vậy dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán ngày càng nhiều mọi người đều nghĩ rằng chỉ trong vài tháng tới khi vaccine Covid được sản xuất, dịch bệnh được khống chế thì nền kinh tế sẽ trở lại quỹ đạo ban đầu, điều này có thể dẫn đến sự bùng nổ của thị trường và đưa giá cổ phiếu lên một mức cao mới.
2/ Lãi suất thấp
Trong khi lãi suất Trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ chỉ là 0.6% trong 10 năm, cùng với đó là lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng quá thấp, các nhà đầu tư bắt buộc phải tìm kiếm phương án thay thế để làm gia tăng số tiền của mình. Thị trường chứng khoán và bất động sản là điểm đến thích hợp trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, dù cho rủi ro của các công ty là đáng kể. Tuy nhiên với niềm tin mạnh mẽ vào sự hồi phục thị trường cùng với mức lợi nhuận kỳ vọng trong tương lai khiến cho các nhà đầu tư sẵn sàng tất tay đổ tiền vào thị trường chứng khoán thay vì gửi tiết kiệm.
3/ Chính sách kích thích tiền tệ ồ ạt
Theo LPL, các chính sách kích thích tiền tệ từ Cục Dự trữ Liên bang đã thúc đẩy nguồn cung tiền tăng mạnh, và dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán càng nhiều hơn. LPL cho biết: “Số tiền đó đã tràn vào thị trường chứng khoán, và nói thêm rằng, trong lịch sử, tăng trưởng của nguồn cung tiền và giá cổ phiếu đã di chuyển song song với nhau.”
4/ Sự hưng phấn đến từ các cổ phiếu công nghệ và các cổ phiếu dẫn đầu
Cổ phiếu của các công ty công nghệ cho phép nhân viên chuyển đổi dễ dàng sang làm việc tại nhà đã tăng trưởng mạnh trong thị trường đầy rủi ro hiện nay, bằng chứng là các báo cáo về thu nhập khổng lồ mà Facebook, Apple, Amazon và Alphabet đã công bố cuối tháng 7.
Không những thế, với số lượng khoảng 40% cổ phiếu trong S&P 500 được phân loại là cổ phiếu công nghệ, truyền thông kỹ thuật số hoặc thương mại điện tử. Điều đó chứng tỏ rằng sự thống lĩnh của các công ty công nghệ ở thị trường chứng khoán Mỹ. Và trong thời đại công nghệ, kỹ thuật số khi tất cả mọi người đều phụ thuộc vào công nghệ đã tạo ra tấm khiên vững chắc bảo vệ các công ty này khỏi những rủi ro do dịch bệnh và sự ảm đạm của nền kinh tế.
LPL cũng “nhắc” các nhà đầu tư rằng giá cổ phiếu vẫn tăng cao trong thời kỳ suy thoái không phải là hiện tượng quá hiếm thấy. Theo thống kê của công ty nghiên cứu này, TTCK đã tăng điểm trong 7/12 cuộc suy thoái từ chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay, với mức tăng trung bình là 5,7%.
Vì thế mặc dù nền kinh tế khá yếu và đang hồi phục một cách chậm chạp từ cú suy thoái sâu nhất kể từ Đại khủng hoảng, đừng ngạc nhiên nếu như giá cổ phiếu tiếp tục tăng cao.
Tham khảo Market Insider