UPRACE 2018: Hoàn thành 1,320,466 km, quyên góp được hơn 3,5 tỷ đồng


Ngày 02/10/2018, dự án chạy bộ cộng đồng UPRACE 2018 đã chính thức khép lại sau một tháng tranh tài sôi nổi,  thu hút được hơn 32 nghìn người đăng kí tham gia tới từ cộng đồng doanh nghiệp, các Start-up công nghệ, các câu lạc bộ chuyên nghiệp, các đơn vị trường đại học trên khắp cả nước cũng như cộng đồng người Việt tại nước ngoài.

Giải chạy khép lại với 1,320,466 km hoàn thành và hơn 3,5 tỉ VNĐ gây được với mục đích giúp giảm thiểu tỷ lệ tử vong sơ sinh và thúc đẩy công tác chăm sóc trẻ sơ sinh ở Việt Nam thông qua quỹ Newborns Vietnam.

UPRACE 2018 lifestyle 2 UPRACE 2018: Hoàn thành 1,320,466 km, quyên góp được hơn 3,5 tỷ đồng

Khởi nguồn mình từ giải chạy bộ nội bộ của Công ty Cổ phần VNG vào năm 2017, UPRACE 2018 là giải chạy bộ vì cộng đồng diễn ra trong 30 ngày liên tục. Vận động viên tham gia sẽ sử dụng ứng dụng Strava trên điện thoại thông minh để ghi lại thành tích chạy bộ của mình. Thành tích của các vận động viên sẽ được đồng bộ từ Strava qua nền tảng UPRACE.vn sau khi được hệ thống tự động phân tích các kết quả hợp lệ. Từ đó, VNG sẽ quy đổi thành 1.000đ quyên góp vào quỹ Newborns Vietnam trên mỗi km mà người tham gia chạy được.

Với tư duy sử dụng công nghệ làm nền tảng, hạn chế tối đa sức người và chi phí vận hành, UPRACE đã gần như phá bỏ mọi cái “cớ” về điều kiện cho phép vận động của mỗi cá nhân. UPRACE là giải chạy bộ đầu tiên tại Việt Nam không giới hạn số lượng vận động viên tham gia vì không cần phải giải bài toán về không gian, phân luồng giao thông, thủ tục hành chính hay kinh phí tổ chức. Chỉ vài thao tác cài đặt, đăng ký đơn giản trên điện thoại thông minh, người tham gia đã có thể bắt đầu giải chạy bộ ngay tại nơi mình sinh sống cùng với người thân, bạn bè và đồng nghiệp. Những con số thống kê ấn tượng về số người tham dự và số km hoàn thành mà chưa giải chạy bộ nào ở Việt Nam từng làm được trước đó đã cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ, vượt xa mục tiêu đề ra của đội ngũ tổ chức giải.

“UPRACE 2018 vượt xa mọi kì vọng của Ban Tổ Chức, đưa mục tiêu thay đổi thói quen lười vận động của người Việt gần hơn chút nữa ngay lần đầu được tổ chức. Nhưng 1,3 triệu km chưa phải điểm dừng, hơn 30 ngàn người cũng chưa phải đích đến vì tầm nhìn của UPRACE là 100,000 người Việt tạo được thói quen chạy bộ vào năm 2023. Ngoài ra, nền tảng UPRACE.vn cũng được kì vọng sẽ trở thành một sản phẩm công nghệ phục vụ cộng đồng miễn phí, nơi mà ở đó tất cả các doanh nghiệp, tổ chức, câu lạc bộ, đội, nhóm đều có thể tự xây dựng giải chạy bộ riêng cho mình, đồng thời giải quyết các bài toán về người dùng rất đặc thù của cộng đồng chạy bộ Việt Nam, mà các sản phẩm công nghệ của các tập đoàn nước ngoài chưa giải quyết được” – anh Lê Hồng Minh, Nhà sáng lập và Chủ tịch Công ty Cổ phần VNG chia sẻ.

UPRACE 2018 đã kết nối 226 đội thi đấu ở 4 bảng gồm 67 đội đến từ khối doanh nghiệp, 71 đội từ các Startup, 70 đội từ các câu lạc bộ, đội, nhóm chạy bộ và 18 trường đại học. Vượt xa mục tiêu 10 nghìn vận động viên đăng ký, giải đã thu hút hơn 32 nghìn vận động viên tham gia và hoàn thành quãng đường dài hơn 1,3 triệu km (gấp hơn 3 lần chiều dài từ trái đất đến mặt trăng).

 “Mỗi buổi sinh hoạt của VBRC – (VungTau Beach Running Club) đông nhất chỉ vài chục thành viên, nhưng khi tham gia UPRACE con số này đã lên cả trăm người cùng chạy. Nhờ UPRACE mà những vận động viên rải rác ở thành phố biển Vũng Tàu đã kết nối lại với nhau, chất lượng của các buổi chạy cũng được phát triển. Đặc biệt nhiều runners là khách du lịch vãng lai cũng biết đến VBRC, nên chủ động tham gia cùng và được tư vấn nhiệt tình”, chia sẻ từ anh Phạm Quang Việt, đội trưởng của VBRC – Câu lạc bộ chạy bộ Vũng Tàu. Hay như anh Anh Nguyễn Hoàng Vũ – Trường Đại học Khoa Học Tự Nhiên TPHCM chia sẻ: “UPRACE đã giúp kết nối anh và một số cựu sinh viên khác của trường cùng với Thầy Cô và các bạn sinh viên khi cùng chạy bộ gây quỹ hướng đến các em sơ sinh, và chắc chắn rằng UPRACE sẽ là tiền đề cho trường tổ chức nhiều hoạt động thể thao mang tính quy mô lớn, xây dựng lối sống lành mạnh cho các bạn sinh viên, đồng thời kết nối với cựu sinh viên của trường.” Tất cả đều cho thấy rằng UPRACE là giải chạy “ảo” (virtual) nhưng sự kết nối tạo ra là thật.

Một trong những mục tiêu khác của dự án là kết nối nhiều nguồn lực để tạo ra giá trị sâu, rộng cho cộng đồng đã thể hiện rõ nét ở số tiền kêu gọi được cho quỹ Newborns Vietnam là 3.5 tỷ đồng. Nổi bật với những con số “khủng” trong đó là VNG (1.3 tỷ đồng), Techcombank (1 tỷ đồng) và các đơn vị khác như Hội cựu Học sinh Hanoi Amsterdam, Gốm Sứ Minh Long, Topica Education, CMC Corporation, v.v.

UPRACE 2018 lifestyle 1 UPRACE 2018: Hoàn thành 1,320,466 km, quyên góp được hơn 3,5 tỷ đồng

“Chúng ta đón nhận thách thức UPRACE lần đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. Chúng ta phát triển và hoàn thiện mình dù là cá nhân hay tổ chức. Chúng ta chia sẻ sự hứng khởi, tinh thần đồng đội, niềm vui và tự hào khi chung tay mang đến điều kì diệu cho trẻ sơ sinh và các gia đình cần sự giúp đỡ. Một tháng qua, chúng ta không chỉ chạy mà còn kết nối. Chúng ta đã mở rộng vòng tay và gửi đi hàng ngàn lời động viên cho nhau. Cùng nhau, chúng ta hiện thực hóa điều tưởng chừng như quá lớn lao đối với mỗi cá thể: CHẠY để mang đến cho hàng triệu sinh linh Việt Nam quyền được chăm sóc chuyên nghiệp như mọi trẻ sơ sinh khác trên thế giới.” chia sẻ từ cô Suzanna Lubran, Giám đốc Điều hành Quỹ Newborns Vietnam phần nào cho thấy khía cạnh nhân văn của dự án. Theo nghiên cứu social listening độc lập từ Younet Media về UPRACE, chạy vì trẻ sơ sinh Việt là lý do hàng đầu để các vận động viên “cày” km trong suốt một tháng. Từ những vận động viên bán chuyên với hơn 1000km mỗi người, cho đến các thành viên mới lần đầu tập chạy, cột mốc 100-200km đối với họ cũng là việc rất ‘bình thường”.

Số tiền quỹ 3.5 tỉ VND gây được sẽ được dùng để:

– Đào tạo sau đại học cho bác sĩ trực thuộc bệnh viện Nhi Trung Ương (VNCH) và bệnh viện Phụ Sản Hà Nội. Huấn luyện đặc biệt dành cho Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội – đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai về việc chăm sóc trẻ sơ sinh.

– Huấn luyện chương trình căn bản cho các bệnh viện tỉnh và bệnh viện đa khoa, tập trung vào khả năng nhận biết, cách trông nom và giúp những trẻ sơ sinh bị bệnh trở nên ổn định hơn.

–  Chương trình huấn luyện “Hỗ trợ sự sống trẻ sơ sinh” cho tất cả đội ngũ nhân viên – đặc biệt là quy trình cấp cứu một trẻ sơ sinh, vốn dĩ rất khác biệt với các quy trình cấp cứu thông thường khác. Sự phát triển về thể chất và tinh thần của một đứa trẻ sơ sinh sẽ phụ thuộc phần lớn vào giai đoạn một tiếng đầu tiên khi chào đời. Đứa trẻ phải đối mặt với những thách thức mang nguy cơ chấn thương ngắn hạn, dài hạn, chậm phát triển suốt đời hoặc nghiêm trọng sẽ dẫn đến tử vong.

– Trang bị những dụng cụ cơ bản thiết yếu tại các bệnh viện tỉnh, và những thiết bị vận chuyển trẻ sơ sinh an toàn trong quá trình cấp cứu.

T.D/Lifestyle


Các tin cùng chuyên mục