Trường học không rác và hơn thế nữa


Vừa qua, trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) phối hợp với Trường TH, THCS & THPT Thực nghiệm Khoa học Giáo dục, Học viện Chính sách và Phát triển (APD) đã đồng tổ chức Đối thoại “Trường học không rác và hơn thế nữa”. Đồng thời, trong buổi Đối thoại, Lễ ký kết và khởi động hợp tác trong Liên minh “Trường học không rác và hơn thế nữa” và Ra mắt Fanpage: ZHub – Zero Waste Schools and More cũng đã được tổ chức.

Hiện nay rác thải đang trở thành vấn đề nan giải đối với các quốc gia trên toàn cầu trong đó có Việt Nam, nguyên nhân hàng đầu gây ra lượng rác thải ngày càng lớn tại Việt Nam là do nhận thức của người dân chưa cao, song song với đó lối sống Zero waste (Lối sống không rác thải) vẫn còn khá mới và vẫn chưa được áp dụng  trong môi trường giáo dục hiện nay tại Việt Nam. Trong khi đó, nhiều trường học có nhu cầu nhận được tư vấn, hỗ trợ để áp dụng thực hành không rác thải nhưng chưa biết cách làm, đặc biệt là làm như thế nào để chương trình giáo dục duy trì bền vững. Theo đó, giảm ô nhiễm, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tránh khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học là những mục tiêu của giáo dục môi trường bền vững hướng đến. Đây cũng là cách tiếp cận, để các em học sinh và cộng đồng thực hiện các quy định mới của Luật BVMT sửa đổi năm 2020, nhằm xây dựng thói quen mới về quản lý rác thải có trách nhiệm trong xã hội.

Lễ kí kết thỏa thuận giữa GreenHub và Trường Thực Nghiệm KHGD 1 Trường học không rác và hơn thế nữa

Phiên Đối thoại “Trường học Không rác và hơn thế nữa” được diễn ra với sự tham gia của các thành viên Liên Minh ZHub và các chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam, bao gồm: Thạc sĩ Trần Thị Hoa: Sáng lập ZHub, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub); Tiến sĩ Phạm Vũ Thắng: Cố vấn ZHub, Phó viện trưởng, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế (ĐHQGHN); Tiến sĩ Vũ Minh Luận: Cố vấn ZHub, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Học viện Chính sách và Phát triển; Thạc sĩ Lê Thị Mai Hương: Phó hiệu trưởng phụ trách Trường TH, THCS và THPT Thực Nghiệm Khoa học Giáo dục; Bà Nguyễn Thị Thu Huyền: Điều phối viên Quốc gia Quỹ môi trường toàn cầu Chương trình tài trợ các Dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP – GEF SGP).

Về thách thức và yêu cầu của việc giáo dục môi trường tại Việt Nam, Thạc sĩ Phạm Vũ Thắng – Phó viện trưởng, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế (ĐHQGHN) – cho biết rằng: “Trường học có vai trò rất lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ, thế hệ tương lai. Ở lớp của tôi, tôi thường xuyên đưa những chương trình, video, kiến thức cho các bạn để các bạn cập nhật. Nhưng, chúng ta cần phải đưa những chương trình giáo dục về môi trường xuống tới các trường phổ thông. Bởi vì, một nguyên tắc trong giáo dục đó là cần phải trang bị kiến thức cho các bạn trẻ càng sớm càng tốt, liên quan đến môi trường. Việc giảng dạy ở trường Đại học sẽ có những khó khăn vì tính thực tiễn, thực tế để áp dụng sẽ rất khác với trường Phổ thông. Môi trường Phổ thông là vừa dạy vừa thực hành, các bạn học sinh được học trong một trường, và các thầy cô hướng dẫn, dìu dắt. Những hoạt động thực tế của các bạn rất quan trọng, làm thay đổi về lối sống, hành vi, sau này sẽ trở thành những người công dân toàn cầu (global citizen) – có đầy đủ những kiến thức, trình độ tiếng anh, và có trách nhiệm đối với thế giới, đối với chính cộng đồng chúng ta về vấn đề liên quan đến môi trường. Chính các bạn trẻ sẽ là hạt nhân để có thể giúp cho việc thay đổi hành vi, lối sống của các bố mẹ.”

Về vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Liên minh ZHub, Bà Vũ Minh Luận – Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Học viện Chính sách và Phát triển đã nhấn mạnh về nền kinh tế tuần hoàn, cũng như vai trò của nhà nước và sự thay đổi từ nền kinh tế 4.0. Bà Luận tư duy: rác thải được coi như là một nguồn tài nguyên mới, vậy nên cần giáo dục người tiêu dùng có ý thức với rác thải để tạo ra một lối sống xanh cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. 

Trong hệ sinh thái của Liên minh ZHub, bà Luận định hướng Liên minh nên hướng tới mô hình kinh tế chia sẻ để được nhân rộng và có sức lan tỏa.

Tại buổi Đối thoại, Bà Lê Thị Mai Hương – Phó hiệu trưởng phụ trách Trường TH, THCS và THPT Thực nghiệm Khoa học Giáo dục – cho biết quan điểm về định hướng hoạt động giáo dục môi trường tại trường học của mình: “Giáo dục môi trường là hoạt động thường xuyên, nhấn mạnh vào hoạt động thực tế. Giáo dục hướng đến nâng cao nhận thức không chỉ của học sinh mà của giáo viên và phụ huynh.” Bà Hương cũng đã chia sẻ những hình ảnh hoạt động thực hành bảo vệ môi trường rất sinh động và sáng tạo của học sinh các cấp  trường TH, THCS và THPT Thực nghiệm KHGD.

Cũng tại đây, việc Khuyến khích thực hành Không rác thải bằng kinh tế tuần hoàn thực hiện tại trường học được bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Điều phối viên Quốc gia Quỹ môi trường toàn cầu Chương trình tài trợ các Dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP – GEF SGP) – đã được đề cập. Bà Huyền chú trọng tới: Thứ nhất, đưa kinh tế tuần hoàn vào trường đại học. Thứ hai, xây dựng các mô hình giảng dạy, bài giảng. Thứ 3, tăng cường sự tương tác giữa trường học và địa phương trong giảm rác thải nhựa

Đối thoại “Trường học Không rác thải và hơn thế nữa” được đồng tổ chức bởi Trung tâm Hỗ trợ phát triển Xanh – GreenHub, Học viện Chính sách và Phát triển (APD), Trường TH, THCS & THPT Thực nghiệm Khoa học Giáo dục, được tài trợ bởi H&M và đóng góp bởi các đơn vị đồng tổ chức.

LC/Lifestyle

 


Các tin cùng chuyên mục