Tôi đến Perth – thủ phủ Tây Úc trong dịp đầu đông, trời cuối tháng 5 đầu tháng 6 se lạnh. Cái khí hậu Nam bán cầu thật trái nghịch với phần còn lại của bán cầu, khi Sài Gòn đang nắng đổ lửa vào mùa hè, tôi kéo valy lên đường “đón mùa đông nơi khác” – như cách tôi tự bình lọan trên “tường” facebook của mình.
Mùa đông của Perth, nắng vàng tươi, ấm áp, không ảm đạm, mưa gió như những tiểu bang khác của Úc mà tôi đã đi qua, trong gió trời nghe hơi mát lạnh, nhưng màu nắng vàng ươm đến nao lòng khiến đôi khi ta như quên mất đang sắp vào chính đông. Trời xanh trong vắt, cao vút, cảm giác dễ chịu, khiến cái định nghĩa mùa đông có thể phải được xem lại.
Perth, Người Đẹp Tây Đô của nước Úc, hiền hòa bên dòng sông Swan (dòng sông Thiên Nga), toát lên 1 nét đẹp dịu dàng, ẩn chứa sâu trong lòng tiểu bang trù phú này, không quá ồn áo, nào nhiệt, nổi tiếng thế giới như các thành phố khác của nứơc Úc, nhưng cũng là 1 viên ngọc quý của 1 nơi “miền tây hoang dã” này.
Tôi cũng đã từng đi qua nhiều nơi, đến nhiều thành phố nổi tiếng, sa hoa tráng lệ như kinh đô ánh sáng Paris; kỳ lạ, sôi động như Amsterdam; rất cổ kính nhưng lại rất quốc tế của Brussels; hoặc những thành phố nổi tiếng của nước Úc như Melbourne, Sydney và cả Adelaide (thủ phủ của bang Nam Úc)… nhưng chưa nơi đâu tôi lại thấy được sự thoáng đãng, rộng rãi của không gian, cả về mặt kiến trúc lẫn không gian tự nhiên nói chung. Đường xá của Perth rộng thênh thang, tôi nghĩ mãi không biết nên chọn tính từ gì để diễn tả cho đúng, đúng là từ này, đường rộng, lề đường càng rộng; đường xá thoáng mát, không gian thoáng đãng, tạo cho con người 1 tầm nhìn xa tít tắt về phía trước mặt, về 2 bên đường, dù đang chạy xe trong thành phố chứ chẳng phải ngoài đường cao tốc gì cả. Quen cảnh chật chội, kẹt xe của Sài Gòn, thì chỉ cần ngồi trong xe, được chạy vòng vòng thành phố, ngắm nhìn những con đường rộng rãi, thoáng mát, với những hàng cây, kỳ lạ (những cái cây thân mập mạp, mà lá lại trơ trụi, trông rất buồn cười, những giống cây bản địa chỉ tìm thấy ở nước Úc hoặc thậm chí, 1 số loài chỉ có tại Tây Úc này) cũng đủ khiến 1 ngày của bạn trở nên đáng nhớ.
Đến Perth cũng không thể nào bỏ quan việc chiêm ngưỡng những cặp thiên nga đen chỉ có tại Tây Úc và cũng là biểu tượng của bang Tây Úc. Thiên nga đen có vóc dáng nhỏ hơn thiên nga trắng, mỏ và chân đỏ son, rất ấn tượng, chúng thường tụ tập trên dòng sông Thiên Nga – Swan River bắc ngang thành phố Perth, để trông thấy chúng dễ dàng nhất ta có thể đến ngay dưới chân tòa tháp Chuông Thiên Nga, ngay cảng Perth – Perth Harbour, biểu tượng của trung tâm thành phố Perth, là 1 trong những nhạc cụ lớn nhất trên thế giới. Nhắc đến chúng ta không khỏi nhớ về câu chuyện “lý thuyết thiên nga đen” của những người châu Âu đầu tiên, đặt chân đến Tây Úc, lần đầu tiên nhìn thấy 1 loài thiên nga kỳ lạ mà họ chưa từng nghĩ là có mặt trên thế giới, họ đã nói đến nó như 1 ý niệm về sự vô tận của thiên nhiên, của thế giới, chưa từng được biết đến không có nghĩa là không tồn tại. Tinh thần của bang Tây Úc có lẽ cũng từ ý niệm này, 1 vùng đất xa xôi của nước Úc nhưng đầy vẻ thu hút, bạn chưa từng biết đến vùng đất này nhưng nó vẫn ở chốn này.
Trong chuyến đến thăm Perth xinh đẹp, hiền hòa, tôi còn có dịp được viếng thăm 1 địa điểm rất thú vị, có cái tên rất dễ thương khi được dịch đúng nghĩa đen của nó: Đảo Tổ Chuột, Rottnest Island. Có nhiều cách để đến đảo từ nhiều điểm khác nhau của Perth, có thể đi bằng phà, bằng thuyền hoặc máy bay, mất từ 15 phút – 1 tiếng rưỡi tùy điểm bạn khởi hành và bằng phương tiện nào, nhưng tôi nghĩ đi phà là thú vị nhất.
Cái tên này có bắt nguồn từ những người Hà Lan đầu tiên đặt chân lên đảo vào thế kỷ thứ 17, họ thấy tập trung rất đông trên đảo là 1 loài gậm nhắm nhỏ, mà họ nghĩ là chuột, họ đã đặt tên cho hòn đảo là Đảo Tổ Chuột, trong tiếng Hà Lan là Rotte-nest, tức là rat-nest trong tiếng Anh, sau đó người Anh đã giữ nguyên tên này chỉ bỏ chữ e trong nguyên gốc tiếng Hà Lan. Loài chuột mà những người thực dân Hà Lan đã gọi chính là Quokka 1 loài chuột túi bản địa, chỉ có trên đảo, to cỡ 1 con mèo, có 2 chân sau, dài hơn 2 chân trước, nên dù hầu như vẫn nhảy nhảy bằng 4 chân, nhưng khi ngồi, chúng có thể ngồi trên 2 chân sau, như tất cả các loài chuột túi khác,và đặc biệt chúng có cái đuôi rất dễ nhầm với loài chuột cống, tôi nghĩ chính vì vậy mà những người Hà Lan cập tàu vào đảo đã không ngần ngại gọi chúng là chuột. Tuy có cái đuôi giống chuột, nhưng nếu nhìn kỹ bạn sẽ thấy chúng khá giống sóc và nhưng lại khá bạo dạn, không nhút nhát như sóc.
Có rất nhiều hoạt động bạn có thể chọn tại Rottnest Island như tham quan 1 vòng quanh đảo bằng các chuyến xe buýt chạy thường xuyên qua các vịnh, với sự thuyết minh đầy hào hứng của những người tài xế già đầy kinh nghiệm và kiến thức về địa lý và lịch sử của vùng; thuê xe đạp vượt địa hình và tự mình chinh phục các dốc núi, vòng vèo qua các đoạn đèo; đi bộ tự chinh phục khả năng của bản thân khi đến được mũi tận cùng của đảo, để mở ra trước mắt khung cảnh biển Ấn Độ Dương hùng vĩ; bạn cũng có thể tham quan nhà thờ, các khu di tích của chế độ thực dân xưa nơi đây và nếu bạn mệt luôn có các khu ăn uống, quán cà phê, nhà nghỉ dể bạn dừng chân…
Một tuần tại Perth trôi qua nhanh, với nhiều ấn tượng không bao giờ phai trong tôi về 1 “miền Tây hoang dã” nhưng trù phú của nước Úc, về những người dân Tây Úc hiền hòa, thân thiện cũng nhưng cảnh vật thiên nhiên với những đăc trưng rất riêng của nước Úc, rất riêng của Tây Úc.
Bài viết của độc giả Nguyễn Thiên Thanh