Sài Gòn mùa thi – mùa san sớt nghĩa tình


Từ mọi miền đất nước, hàng vạn em học sinh đổ về Sài Gòn hoa lệ để chuẩn bị cho kỳ “vượt vũ môn” gần như là hệ trọng nhất cả đời. Sài Gòn trút bớt lớp vỏ thờ ơ, tự nhiên bao dung đến lạ…
Là chai nước không mất tiền giữa trưa nắng gắt, là hộp cơm từ thiện trao tay thí sinh qua cơn đói lòng, là những chỗ ngủ miễn phí giúp phụ huynh “đỡ đồng nào, hay đồng ấy”… Nghĩa tình thấm đẫm giữa Sài Gòn đang độ mưa nắng trái mùa.

“Để dành chút tiền bồi bổ cho con”

Từ một huyện miền núi xa xôi của vùng đất nắng Ninh Thuận, mẹ con em Đàn Thị Mỹ Ngà, người dân tộc Chăm dắt nhau vào Sài Gòn dự thi. 
Mới bước xuống bến xe Miền Đông, Ngà và mẹ đã được sinh viên tình nguyện “đón bắt” rồi đưa vào bàn tư vấn. Biết em chưa ăn gì, các anh chị đưa cơm cho Ngà, nghe mẹ Ngà nói gia đình cũng khó, các bạn liền dẫn đến khu nhà trọ miễn phí cho thí sinh.

Bây giờ, Ngà và mẹ đã ổn định trong một góc nhỏ của khu nhà trọ miễn phí. Khi được hỏi, Ngà chỉ ngây thơ đáp: “Em thấy giống như ở trong mơ quá. Lúc ở trên xe, em sợ lắm. Nghe người ta nói ở thành phố lừa đảo nhiều, cướp giật nhiều, em nhắc mẹ cất tiền cho kỹ… em đâu có ngờ là mình gặp nhiều người tốt như vậy”.

Bà Vạn Thị Cái, mẹ của Ngà cười tươi rói: “Vay mượn nhiều người lắm mới đưa được con vô đây thi. Sợ thiếu tiền không à. Mà đâu có ngờ mấy cháu sinh viên tốt quá, cho cơm ăn, nước uống. Tui mới ăn cơm từ thiện xong, để dành chút tiền mua đồ bồi bổ cho con nó thi”.

Ngà nghe mẹ nói, líu ríu nép vào mẹ cười bẽn lẽn: “Em ước gì em thi đậu. Mẹ nói đậu rồi cúng gì cũng cúng”.
4bd9dac602764abf4ba3e6229937d4a9 Sài Gòn mùa thi   mùa san sớt nghĩa tình
 Ngà và mẹ 

 

Chúng tôi đến địa chỉ nhà trọ miễn phí ở hẻm 60, Lý Chính Thắng, quận 3. Trong một góc nhỏ của căn phòng, các vị phụ huynh quây quần cùng nhau kể chuyện quê nhà, vài ba em thí sinh tranh thủ “học gạo” thêm được chữ nào hay chữ ấy.

Biết có phóng viên đến viết bài, những ông bố bà mẹ quê cứ ngại ngùng đùn đẩy câu trả lời cho nhau. Mãi mới có vị cất lời: “Người ở trong này sao họ tốt quá vậy cô?”.

Ông Hoàng Văn Hưng, quê ở Bình Thuận, lặn lội đưa “niềm hy vọng duy nhất” của cả gia đình vào thành phố đi thi. 
Ông Hưng kể: “Nhà có 2 đứa con, thằng Nam là thằng lớn, học cũng khá. Thằng nhỏ dở hơn, thi lớp 10 rớt ngó bộ nản rồi. Nhà chỉ hy vọng vô Nam thôi, Nam mà thi đậu một cái…” ai đó thêm vào “là nhà mổ heo, mổ bò”… 
Tràng cười sảng khoái vang lên giữa những con người mấy phút trước còn xa lạ, giờ đã như người thân.
c5accff44293ba362bfa5fe63f548b34 Sài Gòn mùa thi   mùa san sớt nghĩa tình
 Tranh thủ ôn bài, vì các em giờ là niềm hy vọng của cả gia đình

 

Ông Hưng khoác vội chiếc áo cho… lịch sự rồi nói tiếp: “Trời, nguyên đêm ở trên xe, hai cha con tui hồi hộp ngủ đâu có được. Lần đầu vô Sài Gòn mà, không biết rồi mình ở đâu, đi đâu có bị người ta chặt chém, lừa đảo không. Vậy mà bây giờ được ở miễn phí, mấy cháu tình nguyện chở tới đây luôn, đưa tiền nó không chịu lấy. Cô coi, cơm từ thiện mà chắc ngon hơn cơm nhà tui ở quê”.

Ông Nguyễn Hữu Tin, quê Đồng Nai bàn bạc cùng các “chiến hữu”: “Chiều mình ăn cơm từ thiện, rồi nhờ sinh viên tình nguyện dẫn đi mua thuốc bổ não, với đồ ăn ngon ngon cho mấy đứa nhỏ. Mai mốt là nó thi rồi. Kệ, ở quê ăn sao cũng được, mà vô đây thì phải bồi dưỡng cho con”.

Ông Đoàn Xuân Lâm, quê Bình Định gật đầu lia lịa: “Đúng rồi, đúng rồi. Mình hên được ăn ở miễn phí vầy thì dành chút tiền bồi bổ cho con”.

“Tao đi tiếp sức mùa thi…”

Trong ngôi nhà trọ miễn phí ở đường Lý Chính Thắng có một người phụ nữ mà thí sinh và phụ huynh vẫn thường gọi là “má Cúc”. 
Má Cúc là bà Nguyễn Thị Bạch Cúc, năm nay đã 70 tuổi và là cán bộ Hội phụ nữ của phường. Sáng, má Cúc bán bánh mì ở đầu hẻm 60, phường 8, vừa bán vừa nhấp nhổm chạy ra chạy vô khu nhà trọ miễn phí.

Má Cúc cười tươi rói khoe: “Tao đi tiếp sức mùa thi 10 năm rồi đó nghen. Con cái mới lúc đầu nó cản lắm, nói má già rồi, sướng thì lo hưởng đi, làm chuyện gì đâu không. Mà cản riết rồi nó cũng nản”.

10 năm tiếp sức mùa thi, năm nào cũng vậy, má Cúc chạy tới chạy lui lo xin cơm từ thiện cho thí sinh, phụ huynh, xin nhà trọ miễn phí. Như căn nhà trọ miễn phí số 60/46/2 này là do một tay má Cúc thương lượng.

Má cúc hồ hởi kể, vui còn hơn trẻ thơ: “Nhà này là của ông Nguyễn Đình Tài, mua lâu rồi mà để trống trơn vậy đó. Tao thấy vậy tới nói với ổng sao bây không xây lại hay dọn về đi, ổng nói chưa được ngày. Tao gài kèo luôn là thôi bây cho mấy đứa thí sinh nó ở đỡ mấy bữa, coi như làm phước”.
95c0fe949223d456f3c6af0a085f06ca Sài Gòn mùa thi   mùa san sớt nghĩa tình
Má Cúc gói ghém từng gói mì dành cho thí sinh mùa “vượt vũ môn” 

 

Không những gật đầu đồng ý, anh Tài còn ghé qua coi sóc lại đường dây điện, cho mượn quạt máy và giao luôn chìa khóa cho sinh viên tình nguyện trong 2 tháng. Căn nhà có thể ở được 40 người, nghĩa là cũng có mấy mươi giấc mơ được tiếp sức.
Không những thế, vào ngày thi, thí sinh tại nhà hẻm 60 còn được ăn sáng bằng bánh canh miễn phí do má Cúc nấu. Vài người hàng xóm cảm kích tấm lòng của má Cúc, thi thoảng lại cho đồ ăn, cho bánh trái để má Cúc mang về cho thí sinh, phụ huynh. 
Má Cúc đi khuất rồi, vài vị phụ huynh khều tay tôi lại nói nhỏ: “Bà đó tốt ghê lắm, viết bài về bả đi, viết về tụi tui chi”.

Chúng tôi lại chạy loanh quanh khắp Sài Gòn mùa thi, bóng áo xanh tiếp sức thấp thoáng ở mọi nẻo đường. Các bác xe ôm cũng “vào vụ”, nhưng không vì thế mà chèn ép giá hay muốn “móc túi” thí sinh.

Bác Hai, 46 tuổi, làm xe ôm ở bến xe Chợ Lớn tươi cười nói: “Thì nghề nghiệp mà, lâu lâu tụi tui cũng lấy mắc một chút, nhưng mà tụi đi thi thì không bao giờ nghen. Người ta muốn đi xe buýt là anh em tụi tui chỉ xe buýt, muốn tìm chỗ trọ thì dắt vô mấy đứa tiếp sức đó. Còn chở đi thi thì đúng giá luôn. Anh em dặn nhau là thôi giúp người ta lạ nước lạ cái, mỗi năm có một lần. Hồi đó nghe vụ ông xe ôm kia chở con người ta đi lòng vòng làm trễ thi tụi tui tức miết tới giờ mà”.

Lại kể, nắm trong tay danh sách nhà trọ miễn phí, chúng tôi gọi vòng quanh để lấy thông tin viết bài, nhưng đa phần chủ nhà từ chối. Bởi: “Thôi, nhà rộng thì cho mấy cháu nó ở mấy ngày, có gì đâu mà viết. Ngại lắm”- anh Cương chủ nhà cho trọ miễn phí trên đường Trang Tử nói như thế.

Lại kể, những trưa nắng như thiêu, những chiều mưa dầm nặng hạt giữa bến xe ồn ã vẫn không làm nản lòng những sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi. Trong số đó, có những em như Ngà, như Nam, như con ông Hưng, ông Tin… đã từng nhận chút nghĩa tình của người xa lạ khi lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất lạ.

Bình trà đá miễn phí giữa đường, hàng vạn suất cơm từ thiện dành cho thí sinh phụ huynh, sự tận tình chỉ dẫn, lời thăm hỏi thiệt lòng… Sài Gòn như trút cái vỏ bọc thờ ơ, trở nên bao dung đến lạ. Sài Gòn đã vào mùa san sớt nghĩa tình. 

 

Hồ Ngọc Giàu ( Motthegioi)


Các tin cùng chuyên mục