Hàng loạt các bộ phim đạt giải thưởng cao tại các liên hoan trong và ngoài nước; một danh sách dài các bộ phim thời hoàng kim đến nay vẫn còn được khán giả nhắc lại… tất cả đã chứng tỏ nước ta không thiểu những kịch bản hay cùng những cây bút xuất sắc. Vậy thì hà cớ gì cứ phải chăm chăm đổ xô bỏ tiền tỷ, đi vay mượn kịch bản nước ngoài?
1. Không thể phủ nhận hàng loạt các phim làm lại (remake) từ các kịch bản nổi tiếng của Âu, Á thời gian qua đã góp phần khiến phim truyền hình Việt Nam lấy lại chỗ đứng trong lòng khán giả. Song, việc suốt ngày chuyển hóa kịch bản ngoại cũng đang làm khán giả Việt bắt đầu ngán. Ví von như, khi người ta ăn món tây, món tàu riết bỗng thèm bát cơm cà pháo mắm tôm đậm đà hương vị Việt.
Ngẫm lại hành trình của phim cái thời mà công nghệ làm phim còn thô sơ cũng đã có biết bao bộ phim đi vào lòng khán giá. Có thể kể đến như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Biệt động Sài Gòn, Cô gái trên sông, Đêm hội Long Trì, Ván bài lật ngửa… Đến nay, những khán giả lớn tuổi muốn xem lại những bộ phim này chỉ có thể lục tìm khó khăn tại các hàng băng đĩa và phải chấp nhận chất lượng âm thanh, hình ảnh không thể bằng các bộ phim mới ngày nay.
Trong khi chúng ta suốt ngày chạy theo các kịch bản nước bạn, khán giả Việt một phen “hầm bà lằng” dư vị phim, nhà sản xuất thì tốn tiền tỷ cho việc mua bản quyền, chuyển thể, thì tại sao thay vì remake phim bạn, ta không remake chính phim của ta? Chắc chắn sưc hút của các bộ phim này cũng không nhỏ và giá trị nghệ thuật lẫn lịch sử cũng rất cao.
Việc remake lại phim nổi tiếng của nước mình vốn không phải là chuyện mới. Ví dụ cụ thể nhất là phim truyền hình của Trung Quốc. Hàng loạt các tác phẩm thuộc hàng kinh điển của điện ảnh Trung Quốc như Tây Du Ky, Hồng Lâu Mộng hay các tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung cứ vài năm lại được mang ra trường quay một lần. Nhưng sức hút của nó vẫn không thể chối cãi được. Việc so sánh công nghệ làm phim nước ta và Trung Quốc có thể là sự so sánh khập khiễng, nhưng trong chừng mực nào đó thì tại sao không?
2. Người ta thường ví von vui về phim truyền hình có hai loại. Thứ nhất là kẹo ngọt với các bộ phim giải trí vui vẻ và thứ hai là phim chính luận để lại chút dư vị đắng đắng chat chat của chè. Thời gian vừa qua, phim truyền hình Việt có vẻ bội thực kẹo ngọt. Trong khi chè đắng lâu lâu người ta mới được thưởng thức vài bát như ma làng, chạy án…
Những bát nước chè tuy thơm ngon với khán giả, nhưng với những nhà sản xuất thì là một hành trình không dễ đi. Một trong những nguyên nhân lớn khiến người viết kịch bản lẫn các nhà sản xuất e dè, nhụt chí với dòng phim này có thể kể đến khâu kịch bản và khâu kiểm duyệt. Bỏ tiền tỷ ra để rồi ngồi hồi hộp đợi kết quả công chiếu được hay không thì quả thật chẳng khác gì chơi canh bạc đen đỏ.
Sự thật thì không ít bộ phim bị cắt duyệt nhiều cảnh khiến đường dây phim ít nhiều bị phá vỡ, và cũng không ít các bộ phim quay xong xếp xó với các lý do nhạy cảm. Một kịch bản chính luận vừa hay vừa an toàn cao đó là điều mà các nhà sản xuât cùng những nhà đầu tư luôn mong đợi song dường như không dễ có. Ngay cả những người viết kịch bản, việc đầu tư cho các tác phẩm này vừa tốn hao nhiều tâm sức lại khó lên phim, so với viết những bộ phim giải trí, mang tính thị trường nhanh, gọn, lẹ, dễ kiếm tiền đã khiến nhiều người nhụt chí với mảng phim chính luận. Và thế là họ quay lại với giải pháp an toàn với những viên kẹo ngọt nhàn nhạt nhưng vui miệng và thoải mái tinh thần. Vậy là người xem phim truyền hình đành phải thỉnh thoảng buồn miệng nhớ nhớ vị chát, vị đắng của bát chè ngon nhưng buộc ngậm ngùi chấp nhận.
Việc đầu tư cho những tác phẩm chính luận mới mang hơi hướng thời đại là chuyện luôn luôn được hoan nghênh và cần hoan nghênh. Song, trong lúc đợi chờ những kịch bản chính luận hiếm hoi thì việc làm lại các tác phẩm chính luận thời xưa với những kịch bản đã kiểm duyệt an toàn, phải chăng cũng là một giải pháp? Tính thời đại của tác phẩm có lẽ không cao, nhưng giá trị lịch sử và những bài học quá khứ chắc chắn cũng không nhỏ. Chưa kể, nếu được, trên cái nền kịch bản cũ, một chút chỉnh sửa, một chút làm lại cho thích nghi với hoàn cảnh mới, để dùng truyện xưa mà cảnh báo truyện ngày nay cũng là điều rất không phải không khả thi.
Hiển nhiên làm đi làm lại những tác phẩm dù của mình cũng không phải là giải pháp lâu dài. Nhưng ít nhiều nó cũng là một trong những giải pháp tạm thời khi chưa tìm ra được nguồn kịch bản Việt dồi dào, đậm đà bản sắc dân tộc. Và ít nhất, nó cũng khiến người xem không phải phát ngấy lên khi suốt ngày phải chăm chăm nhấm nháp món ăn vay mượn từ thiên hạ.
Bảo Thuỷ