Những người cứu nghìn mạng sống bằng máu hiếm


Đang ăn cơm trưa, Phạm Tuấn Minh (Hà Nội) nhận tin báo có bé sơ sinh cần truyền máu hiếm ORh-. 20 phút sau, cậu đã có mặt ở bệnh viện tiếp máu cho bé.

Tuấn Minh, 24 tuổi, là một trong hơn 200 thành viên của câu lạc bộ Nhóm máu hiếm khu vực phía Bắc. Ngày 4/6, Minh đang ăn cơm thì nhận được điện thoại của gia đình chị Phạm Quỳnh Nga. Chị Nga vừa sinh con, cậu bé bị vàng da huyết tán phải truyền máu ORh-. Đây là nhóm máu hiếm, ngân hàng máu của bệnh viện không dự trữ, gia đình cầu cứu đến CLB máu hiếm. Ngay khi nhận điện thoại, Tuấn Minh vội vã đến Bệnh viện Nhi Trung ương cứu con chị Nga.

Vì ORh- là nhóm máu hiếm, lường trước trường hợp không đủ máu truyền cho con chị Nga, các bác sĩ đã phân tích nhóm máu hai mẹ con chị Nga, và tìm được một loại máu khác thích hợp để truyền cho bé. Sau ba lần thay máu, cậu bé đã qua cơn nguy kịch. “Khi đến viện các bác sĩ cho biết không cần nhóm máu ORh- nữa nhưng em vẫn hiến máu của mình cho bé, đề phòng lúc các bác sĩ cần dùng đến”, Tuấn Minh cho biết.

a140c4baa7c1eeab232bd53bfa37d419 Những người cứu nghìn mạng sống bằng máu hiếm

Tuấn Minh trong một lần hiến máu tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Ảnh: NVCC.

Ngày 23/4, câu lạc bộ Nhóm máu hiếm cũng giúp anh Đạt (26 tuổi) ở Hòa Bình bị tai nạn xe, phải cắt một bên chân. Sau ca mổ đầu, anh Đạt phải tiến hành tiếp ca mổ đốt sống cổ, song vì mang máu hiếm nên việc tìm kiếm nguồn máu rất khó khăn. Tình hình rất gấp gáp, vợ anh Đạt đã liên hệ đến câu lạc bộ máu hiếm nhờ giúp đỡ. Anh Nguyễn Văn Sáng (23 tuổi) ngay lập tức đã có mặt ở bệnh viện giúp bệnh nhân. Gần một tháng sau, anh Đạt đã xuất viện.

Sáng cho biết, thời điểm đó sức khỏe anh tốt, đã cách 3 tháng so với lần hiến máu trước nên xung phong đi cứu người. Không chỉ anh, mà nhiều thành viên khác trong câu lạc bộ chỉ cần đủ điều kiện đều không tiếc cho đi giọt máu của mình.

“Mình phát hiện mang máu âm năm 2007. Lúc đó, mẹ mình bị ốm phải truyền máu, nhưng vì máu âm nên bệnh viện không dự trữ. Ngay khi thông báo, cả dòng họ mình kéo đến viện xét nghiệm, và không ngờ họ ngoại nhà mình có nhiều người mang máu hiếm đến vậy. Tất cả các nhóm máu âm nhà mình đều có”, Sáng cho biết.

89990d35e9f2be0ba3930aea18edd8e1 Những người cứu nghìn mạng sống bằng máu hiếm

Những người mang máu âm được khuyên nên tham gia câu lạc bộ hiến máu để giúp đỡ người khác và bảo vệ chính mình.Ảnh: NVCC.

Trải qua 7 năm thành lập, câu lạc bộ đã cứu sống được hàng chục trường hợp khỏi tay tử thần. Dù công việc bận rộn nhưng chị Phượng, 43 tuổi, luôn có mặt khi có trường hợp cấp cứu cần chị. Một buổi sáng mùa hè năm 2009, chị nhận được điện thoại đến Bệnh viện Việt – Pháp vì có người cần gấp nhóm máu BRh-. Trời mưa nặng hạt, đường ngập, chiếc xe cấp cứu chở chị và 4 người cùng nhóm máu vừa đi vừa thử máu. Những người trước không được chọn, chỉ mình chị Phượng cho được máu.

“Lúc đó, tôi thoáng thấy mặt mũi những thành viên câu lạc bộ ai cũng mệt mỏi, thất vọng vì mất công đến mà không giúp được người bệnh. Cho máu xong, tôi vội vã ra về tiếp tục công việc mà không biết máu mình cho ai, bị bệnh gì, người ta ở đâu, sức khỏe như thế nào”, chị nhớ lại.

Chị Phượng phát hiện mình mang máu âm khi mang thai con thứ 3 vào năm 2007. Thời điểm đó, các cơ sở y tế thường chỉ xét nghiệm hệ máu ABO, không xét nghiệm hệ âm dương, nên thông tin rất mù mờ. Những người không hiểu biết còn khuyên chị bỏ con. Chị tìm hiểu thêm thông tin để biết về nhóm máu này và chủ động tham gia vào câu lạc bộ máu hiếm để có thể cứu người và cứu mình.

Những phụ nữ mang máu âm dễ bị bất đồng nhóm máu với con, dẫn đến những tình trạng nguy hiểm cho cả mẹ và con sau khi sinh. May mắn, chị Phượng không gặp nguy hiểm trong các lần sinh nở.

Không chỉ giúp mọi người, các thành viên trong nhóm còn giúp đỡ lẫn nhau, phổ biến nhất là giúp các trường hợp sinh con. Chị Hồng Khang (35 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, lần chị sinh con thứ 2 biết mình mang máu âm đã chủ động tham gia câu lạc bộ để được bảo vệ. Suốt thời gian mang thai cứ một tháng một lần chị đến Viện Huyết học kiểm tra kháng thể. Rất may đến khi đẻ vẫn không phát hiện có kháng thể trong người. 

Đề phòng trường hợp cần truyền máu khi sinh, chị Khang đã liên hệ được một người nhóm máu BRh-, là lái xe đường dài. Hôm chị sinh là sáng sớm, trời mưa như trút nước. Cậu thanh niên chạy xe từ Hải Dương lên bệnh viện, nơi chị Khang sinh. “Hôm đó, tôi túc trực bên ngoài phòng mổ thì thấy cậu ấy đến, người tả tơi ướt đầm đìa. Tôi xúc động, ôm chầm lấy cậu ấy khóc”, chồng chị Khang chia sẻ thêm. Rất may, chị Khang bị mất máu nhiều nhưng chưa cần truyền thêm.

cafc4c4ad9081764924ba9a94312fe88 Những người cứu nghìn mạng sống bằng máu hiếm

Các thành viên câu lạc bộ máu hiếm đủ các thành phần, nghề nghiệp, lứa tuổi, nhưng đều có chung tâm nguyện hiến máu cứu người. Ảnh: Phan Dương.

Theo chị Đỗ Thùy Dung (30 tuổi), câu lạc bộ Nhóm máu hiếm phía Bắc ra đời đầu năm 2007, trực thuộc Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Ngày đầu thành lập, câu lạc bộ chỉ có 19 người, đến nay đã có hơn 200 thành viên. Thông thường, những thành viên trong câu lạc bộ máu hiếm được khuyên không cho máu trong các đợt vận động hiến máu, dành cho các trường hợp khẩn cấp, như khi có bệnh nhân ung thư máu, sản phụ băng huyết, các bệnh nhân mổ, sốt xuất huyết hay bệnh nhân bị tai nạn.

Tham gia câu lạc bộ từ những ngày đầu, đến nay chị Dung đã có khoảng 20 lần hiến máu. Nhiều lần chị phải bỏ dở công việc hay ra khỏi nhà lúc nửa đêm để tiếp máu cho bệnh nhân. Có trường hợp sản phụ bị mất máu, gia đình gần như đã tuyệt vọng thì nhóm đến và cứu được mẹ cho đứa trẻ vừa sinh.

Đến nay, khoa học phát hiện có nhiều hệ nhóm máu nhưng quan trọng nhất là 2 hệ nhóm máu ABO và hệ Rh (Rh+ và Rh-). Ở Việt Nam, có tới 99,96% số người thuộc nhóm máu Rh+ (hoặc O+ hoặc B+ hoặc A+ hoặc AB+, xếp theo tỷ lệ giảm dần) nhưng chỉ có 0,04%-0,07% số người thuộc nhóm máu Rh- (hoặc O- hoặc B- hoặc A- hoặc AB-). Những người có nhóm máu Rh- ở Việt Nam thuộc cộng đồng người có nhóm máu hiếm. Nhóm máu hiếm chỉ là một đặc tính di truyền, giống như màu da, màu tóc… không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Phụ nữ có nhóm máu hiếm vẫn sinh con bình thường nếu điều trị đúng phác đồ.

Không như với các nhóm máu khác, chỉ có những người có cùng nhóm máu hiếm Rh- mới có thể truyền cho nhau. Nếu truyền nhầm nhóm máu Rh+, người bệnh sẽ bị tan máu, suy thận, trụy tim mạch và có thể tử vong.

Ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, máu hiếm có thể để trữ được 10 năm, nhưng Việt Nam chưa thể thực hiện được kỹ thuật ấy. Bởi vậy, khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam đều có các câu lạc bộ máu hiếm để truyền máu trong những trường hợp khẩn cấp.

Phan Dương (VNE)


Các tin cùng chuyên mục