Những kiểu nhân viên sếp muốn sa thải đầu tiên


Công ty bạn đang gặp khó khăn về vấn đề tài chính? Hay đang có sự thay đổi về bộ máy quản lý? Việc “thay máu”, cắt giảm nhân sự là chuyện khó tránh khỏi. Nếu bạn đang lo lắng rằng tên mình có đang nằm trong danh sách những người sẽ bị sa thải hay không, hãy cùng CareerLink tìm hiểu những kiểu nhân viên mà các sếp muốn sa thải đầu tiên nhé!

 

careerlink Những kiểu nhân viên sếp muốn sa thải đầu tiên

Hiệu quả làm việc của bạn không tốt

Dù bạn ở vị trí nào thì người lãnh đạo cũng muốn nhìn thấy những đóng góp của bạn đối với công ty. Do vậy, nếu bạn thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ được giao, hoặc hoàn thành không đúng thời hạn, bên cạnh đó thỉnh thoảng lại còn tạo ra một vài lỗi sai, thì đừng ngạc nhiên về việc tên bạn sẽ nằm trong danh sách trong đợt sa thải sắp tới của sếp.

Không cập nhật kỹ năng mới     

Đừng mãi chỉ là “ếch ngồi đáy giếng” với những kỹ năng đang có. Nhớ rằng bạn đang sống ở thời đại mà thông tin và mọi thứ thay đổi từng ngày, thậm chí từng giờ, ngành nghề của bạn cũng vậy. Đừng bao giờ từ chối những cơ hội học hỏi các kỹ năng mới, vì đó là cách để đảm bảo bạn có thể trụ lại với công việc của mình, nhất là khi công ty đang thúc đẩy phát triển bằng việc áp dụng những công nghệ mới với quy trình làm việc mới.

Hãy nhớ câu “tre già măng mọc”, đừng vì một chút tự cao hay sự lười biếng của mình mà tự đẩy bản thân vào “danh sách đen” của sếp. Bởi có thể những nhân viên mới chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng họ sẽ được lựa chọn để thay thế bạn bởi sếp đánh giá cao khả năng học hỏi và sự nỗ lực.

Hời hợt với công việc

Trách nhiệm của một nhân viên là hoàn thành công việc được giao. Điều đó luôn đúng, nhưng bạn vẫn không hiểu tại sao mình vẫn có thể là một trong những cái tên nằm trong “danh sách đen” của sếp. Đừng bất ngờ, hãy thử ngẫm lại, ngoài việc lên công ty đúng tám tiếng thì bạn có làm gì hơn để công hiến cho sự phát triển của công ty không?

Đúng là bạn luôn hoàn thành công việc được giao, nhưng cũng có thể do khối lượng công việc của bạn quá nhẹ nhàng bởi sếp chưa đủ tin tưởng để giao cho bạn nhiều trọng trách khác. Và bạn có quá nhiều thời gian để làm việc riêng như chơi game, lướt Facebook… rồi đợi cho đến khi có việc mới. Điều này sẽ làm các sếp thấy rằng bạn là một người không quan tâm đúng mức tới công việc, không chịu nỗ lực để phát triển sự nghiệp.

Ngoài ra, bạn còn có thói quen chối bỏ trách nhiệm, đổ lỗi cho người khác nếu quá trình công việc có phát sinh vấn đề. Đây cũng là biểu hiện bạn thiếu nhiệt tình, hời hợt với công việc – lý do khiến bạn bị đánh giá thấp và đối diện với nguy cơ sa thải.

Mâu thuẫn với đồng nghiệp

Mối quan hệ không thể thiếu trong công ty chính là mối quan hệ đồng nghiệp. Bởi để hoàn thành công việc một cách hiệu quả bất kỳ ai cũng cần sự hợp tác, trợ giúp từ những người xung quanh. Nên nếu bạn có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với đồng nghiệp thì điều này sẽ ảnh hưởng đến công việc chung và văn hóa của công ty. Có thể sếp sẽ có suy nghĩ thay thế bạn bởi một ai đó hòa đồng hơn đấy. Do đó, hãy xem đồng nghiệp của bạn là khách hàng và hãy chăm sóc khách hàng của mình thật tốt nhé.

Công khai chống đối sếp

Chắc chắn không một người sếp nào lại muốn nhân viên của mình bày tỏ thái độ bất tuân phục, không những thế còn là trước mặt tất cả mọi người. Vì thế, việc bạn luôn chống đối và làm bẽ mặt sếp trước đông người là việc không nên. Sếp có thể sẽ sai ở một trường hợp nào đó nhưng hãy khôn khéo trình bày quan điểm của mình với riêng sếp, điều này sẽ giúp bạn tạo được ấn tượng tốt với cấp trên.

Nếu như bạn đang có một trong những biểu hiện trên hãy tự kiểm điểm lại bản thân và thay đổi mình nhé! Có thể bạn sẽ không bị cho nghỉ việc nhưng đó cũng là những điểm trừ, ảnh hưởng đến công việc và con đường sự nghiệp của bạn. Hãy trau dồi kỹ năng, đầu tư cho các mối quan hệ nơi làm việc và cống hiến hết mình cho công ty, thành quả bạn hái được chắc chắn sẽ xứng đáng.

Tú Trinh/Lifestyle


Các tin cùng chuyên mục