Nhạc sĩ Phạm Nhật Huy ‘dở khóc dở cười’ khi làm báo showbiz


Được biết đến là một nhạc sĩ, ca sĩ trẻ tự thể hiện những ca khúc của mình như: Tạ Lỗi, 1 giây, 1 2 3 nụ cười, Vợ chồng xì tin…, gần đây người ta còn thấy Phạm Nhật Huy đóng phim và xuất hiện trên sân khấu hài với vai trò diễn viên và còn là 1 nhà tổ chức chương trình,… Không chỉ là một nghệ sĩ đa năng, trong giới giải trí Phạm Nhật Huy còn được biết đến là một phóng viên showbiz quen thuộc với độc giả phía Nam.

pham nhat huy Nhạc sĩ Phạm Nhật Huy dở khóc dở cười khi làm báo showbiz

5 năm trước một Phạm Nhật Huy xông pha hậu trường các buổi biểu diễn với vai trò phóng viên từng khiến nhiều người bất ngờ và đặt câu hỏi phải chăng báo chí là một dạo chơi mới của anh, tới thời điểm hiện tại thì có vẻ như mọi chuyện không đơn giản như vậy?

Vì xuất phát điểm là một nghệ sĩ nên khi liên lạc đặt vấn đề phỏng vấn nhân vật hoặc khai thác tin tức thì hầu hết các đồng nghiệp cứ nghĩ tôi đùa. Cho đến mãi một thời gian sau họ mới tin tôi lại có thêm nghề làm báo.

Với tôi làm gì cũng phải có cái duyên, làm báo cũng vậy. Cơ duyên đưa tôi đến với nghề và tôi cứ tiếp nhận một cách tự nhiên. Nhưng một khi đã xác định là nghề, chắc chắn không có chuyện dạo chơi. Với mọi công việc, để thành công và không cảm thấy hổ thẹn với chính bản thân, tôi luôn tâm niệm hai từ “cố gắng”. Và đã cố gắng rồi thì chẳng có cái gì tôi bỏ giữa chừng cả!

Theo anh lợi thế của 1 nhạc sĩ, ca sĩ khi làm báo là gì? Góc nhìn của 1 nghệ sĩ làm báo với các vấn đề văn hóa, xã hội khác gì với những nhà báo được đào tạo bài bản khác?

Từ một nghệ sĩ bước qua làm báo thì cái giúp tôi nhiều nhất là mối quan hệ. Là một người nghệ sĩ tôi cũng có cái nhìn gần gũi với các đồng nghiệp của mình hơn. Chính điều này khiến việc tiếp xúc nhân vật hay các vấn đề trong showbiz của tôi gần với cái nhìn của người trong cuộc. Tuy nhiên, đã là báo chí, tính khách quan luôn là vấn đề cốt yếu để phản ánh trung thực về các vấn đề từ xã hội đến văn hóa. Khi hai vấn đề này được kết hợp nhuần nhuyễn bạn là một người viết báo thành công.

Nhưng có người lại nói đã làm nghệ sĩ thì đừng viết báo showbiz, như thế chẳng khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi?

Tôi không tự viết lăng xê cho mình hay nói sai sự thật sao gọi là “vừa đá bóng vừa thổi còi được”. Một góc nhìn như của người trong cuộc, đó là điều mà làng báo showbiz đang rất thiếu, và tôi nghĩ, mình mang lại một tiếng nói như vậy.

pham nhat huy 2 Nhạc sĩ Phạm Nhật Huy dở khóc dở cười khi làm báo showbiz

Một tiếng nói của người trong cuộc hẳn sẽ đồng nghĩa với những “vùng đất cấm” rộng hơn?

Tôi không có khái niệm “vùng đất cấm”. Một vấn đề dù nhạy cảm hay khó nói đến đâu không quan trọng bằng việc bạn tiếp cận nó như thế nào. Cũng từng là nghệ sĩ và đối diện không ít tin đồn, tôi hiểu bản thân nghệ sĩ họ phải chịu sức ép như thế nào. Tuy nhiên, đã là người của công chúng, là nhân vật có tên tuổi thì cũng phải chịu được “sức nặng của vương miện”. Việc đối diện với những lời đồn thổi ấy cho thấy bản lĩnh thực sự của người nghệ sĩ, bước lên hay lùi đi một bậc là lựa chọn của chính họ.

Nghệ sĩ làm báo, hay bất kỳ nhà báo nào khác, điều quan trọng nhất chính là ở cái tâm. Đặc biệt với một người làm báo showbiz ở thời điểm hiện tại, tiếp cận vấn đề văn minh là điều vô cùng cần thiết. Không câu view thiếu căn cứ, không đưa hình ảnh riêng chưa được sự đồng ý của nhân vật, không vì quan hệ cá nhân mà đưa tin thiếu khách quan, đó mới chính là vùng cấm trong quan niệm nghề nghiệp của tôi.

Sự thật mất lòng, có khi nào vì khách quan quá mà anh bị đồng nghiệp nghệ sĩ nghỉ chơi?

Không phải tự nhiên mà người ta nói nghề báo là nghề nguy hiểm, ngay cả khi bạn làm báo showbiz. Dọa nghỉ chơi là chuyện thường.

Tôi từng hợp tác truyền thông cho một nghệ sĩ hài nổi tiếng nhưng cũng nhiều tai tiếng. Vì anh ta có xích mích với một số nghệ sĩ khác mà tôi từng thân quen, anh bắt tôi phải từ mặt họ. Điều này khiến tôi mất đi một người anh trong nghề.

Gần đây, tên anh xuất hiện khắp các mặt báo về chuyện không hay, nhiều đồng nghiệp liên tục gọi điện cho tôi hỏi về vấn đề này. Đã thôi qua lại từ lâu, tôi nhìn nhận sự việctheo hướng khách quan như mọi vấn đề khác. Nguyên tắc của tôi thế này, nếu có ghét ai đó mà họ làm đúng trong 1 việc khác thì tôi vẫn ủng hộ, ngược lại nếu tôi có thương mà họ làm sai thì tôi cũng mong họ tuân thủ theo sự trừng trị của pháp luật.

Câu chuyện hậu trường của 1 nghệ sĩ khi làm báo khiến anh nhớ nhất?

Câu chuyện cốc nước quá tiền nhuận bút là chuyện bi hài đầu tiên khi tôi bén duyên nghề báo. Lúc đó tôi viết cho một tạp chí phụ nữ, hẹn gặp phỏng vấn nữ diễn viên nọ tại quán cafe. Tôi và bạn nhiếp ảnh đợi gần 2 tiếng đồng hồ, thì cô này mới ung dung xuất hiện cùng trợ lý. Sau buổi phỏng vấn, tiền nước uống hết mấy trăm ngàn quá cả tiền nhuận bút. Thực đúng là dở khóc dở cười.

Và chỉ khi làm phóng viên sự kiện, đặc biệt là sự kiện nghệ thuật mới biết nỗi lòng của người “làm dâu trăm họ” là như thế nào. Tại 1 sự kiện ra mắt phim, khi vừa chụp ảnh cho 1 ca sĩ, diễn viên hạng A, chưa dứt máy nữ ca sĩ này đã tiến đến và yêu cầu xóa ảnh ngay lập tức để cô ấy dặm lại phấn, chỉnh trang phục. Rồi chuyện giận nhau vì một góc ảnh không vừa ý là thường ngày. Những điều ấy, chỉ khi là một phóng viên tôi mới hiểu và cảm nhận rõ những cay đắng và mật ngọt phía sau hậu trường.

Cảm ơn anh về những chia sẻ!

Thanh Tâm/ Theo Tạp chí Truyền hình Hà Nội

 


Các tin cùng chuyên mục