Bộ phim đang gây sốt “Hậu duệ mặt trời” đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều trên cộng đồng mạng. Có người ủng hộ, có người phản đối. Và tất cả những ý kiến này đều có lý riêng của mình.
Lifestyle xin trích đăng nguyên văn 2 ý kiến điển hình trên cộng đồng facebook:
Ý kiến của facebooker Trần Quang Thi:
“Hồi ở Seoul, tôi được mời nói chuyện lịch sử Việt Nam với học sinh Hàn. Khi tôi giảng về 100 đô hộ của thực dân Pháp, kết thúc bằng chiến thắng ĐBP thì các bạn học sinh Hàn hỏi tôi: “Vậy bây giờ thái độ của người Việt Nam với Pháp như thế nào ? “. Tôi trả lời: “Không, chúng tôi quên chuyện đó rồi, để hướng đến tương lai..”. Thái độ của lớp học sinh Hàn lúc đó chưng hửng, ngạc nhiên, tuy rụt rè nhưng bày tỏ sự khó hiểu. Tôi cũng hiểu: “À, tôi biết điều các bạn đang suy nghĩ. Nếu nói về mối căm thù của các bạn với nước Nhật thì với chúng tôi là người Trung Quốc…”.
quá khứ nửa thế kỷ đô hộ của người Nhật (1905 – 1945), dù là các em học sinh.
Còn trong chiến tranh VN, lính Đại Hàn là nỗi khiếp đảm từ Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, không phải với quân đội, mà với những người dân thường vô tội. Chỉ cần một lính Hàn bị giết, lính Hàn sẽ đem cả làng bị nghi ngờ ra xử bắn. Xả súng, ném lựu đạn thảm sát hàng loạt, hãm hiếp phụ nữ đến chết, xé đôi trẻ con… những gì đen tối nhất của thảm sát, của chiến tranh đều có thể tìm thấy ở những nơi lính Hàn càn quét, giết chóc.
Có những làng mà sau một trận càn của lính Hàn hoàn toàn bị xóa sổ. Thân nhân của người chết ba ngày sau trở lại làng chỉ thấy vắng lặng, tan hoang, xác người nồng nặc tử khí, lũ chó gặp xác người chạy đi…
Có những phụ nữ mang thai bị găm trên mình loang lổ mảnh lựu đạn lính Hàn, chịu đựng 10 tiếng đồng hồ, đến khi lính Hàn rút đi thì mẹ chết đứa con trong bụng cũng chết.
Nhưng tôi được nghe những câu chuyện không phải chết do súng đạn lính Hàn. Những đứa trẻ mất cha mẹ trong đợt càn của lính Hàn, bơ vơ không biết dựa vào đâu, chết vì đói và kiệt sức trong những ngày sau đó…
Tôi kể ra ra đây không phải là để kích động lòng thù hằn. Đó không phải là chủ ý. Nhưng những gì là sự thật lịch sử thì nó là sự thật lịch sử. Và trở lại câu hỏi: Chúng ta ứng xử với lịch sử dân tộc như thế nào ?
Có người sẽ đặt câu hỏi với tôi: Vậy lính Mỹ thảm sát thì sao ? Tôi sẽ nói rằng vụ thảm sát Mỹ Lai (Quảng Ngãi) năm 1969 bị phát hiện ngay lúc đó, đem lại giải Pulitzer cho nhà báo điều tra Seymour Hersh năm 1970. Ngay cả những vụ thảm sát ven sông Vệ (Quảng Ngãi) của lực lượng Tiger Force của Mỹ bị điều tra muộn hơn, cũng được công nhận bằng giải thưởng Pulitzer 2004 cho tờ The Toledo Blade của Mỹ. Người Mỹ thừa nhận những tội ác của binh lính họ với thường dân Việt Nam.
Còn đối với Hàn Quốc thì sao ? Những năm 1990, khi tờ Hankyoreh của Hàn công bố loạt phóng sự điều tra những vụ thảm sát của lính Hàn với thường dân Việt Nam, cựu chiến binh Hàn đã kéo đến đốt phá trụ sở tờ báo này. Toàn bộ dữ liệu tòa soạn bị mất sạch, một người chết, một người bị tàn phế suốt đời… Cuộc tấn công bạo lực đó của các cựu chiến binh Hàn không có một sự ngăn cản nào của chính phủ. Các cựu chiến binh Hàn luôn hét to là không có thảm sát.
Gần đây nhất, tháng 4.2015, khi hai nạn nhân là Nguyễn Thị Thanh (Quảng Nam), Nguyễn Tấn Lân (Bình Định)… những nhân chứng bị mất người người thân (mẹ, em, dì…), bản thân bị thương trong những trận càn của lính Hàn năm 1969 được đưa qua Seoul, những cựu chiến binh Hàn tiếp tục tụ tập phản đối và hét lớn: Không có thảm sát!
Họ chưa bao giờ thừa nhận và đưa ra lời xin lỗi cho những tội ác trên!
Những người lính Hàn được gửi qua Việt Nam phần nhiều ít học, nghèo khổ… Khi bị đẩy vào cuộc chiến ở một đất nước xa lạ với sứ mệnh bảo vệ tiền đồn chống cộng sản, một khi mùi thuốc súng bốc lên, họ lao vô những cuộc bắn giết điên loạn, mất hết tính người…
Những người lính Việt Nam kể với tôi rằng chỉ có khi ở chiến trường mới biết những người đồng đội còn thương nhau hơn cả anh em. Lính Hàn cũng vậy, khi một người bị giết thì cả đồn khóc rống lên. Sau đó, để trả thù, họ tàn sát cả làng nào bị nghi là chứa chấp cộng sản…
Khi về nước, họ cũng chẳng anh hùng gì hơn lúc họ được gửi qua Việt Nam. Nhưng thành công kinh tế thần kỳ của Hàn Quốc khiến họ nghĩ rằng họ đã hi sinh xương máu, tuổi trẻ hoặc một phần thân thể bỏ lại ở chiến trường để góp công cho công cuộc phát triển kinh tế đất nước.
Park Chung Hee đã phát triển kinh tế Hàn từ một nước đói kém, lạc hậu bậc nhất châu Á đến thành công kinh tế những năm 1980 bằng hai nguồn vốn chính là tiền bồi thường chiến tranh của Nhật Bản + tiền từ chiến tranh Việt Nam. Đường cao tốc Seoul – Pusan, dự án đầu tiên cho công cuộc phát triển kinh tế của Park Chung Hee lấy nguồn vốn từ chiến tranh Việt Nam. Hãng Korea Air ngày nay cũng được xây dựng từ nguồn vốn chiến tranh VN…
Mặc dù Park Chung Hee “than thở” rằng nếu có 10 đồng tiền dịch vụ hậu cần cho Mỹ trong chiến tranh VN thì hết 9 đồng thuộc về Nhật Bản, chỉ 1 đồng giành cho Hàn Quốc, thì số tiền có được từ chiến tranh VN đóng góp phần đáng kể trong nguồn vốn ban đầu của Hàn Quốc.
Vì vậy, những người lính Hàn ít học, nghèo khổ năm xưa xem sự cống hiến của mình có ý nghĩa cho quốc gia, đất nước. Đó là sự kiêu hãnh của họ. Vì vậy, họ không muốn khác nhìn họ những những kẻ đồ tể, sát nhân. Sự giận dữ bạo lực của họ là điều dễ hiểu.
Ở miền Trung Việt Nam, những nơi xảy ra thảm sát của quân đội Hàn Quốc đều có bia căm thù, đài tưởng niệm. Còn ở Hàn Quốc, từ năm 2000 liên tiếp mọc lên những đài kỷ niệm sự tham chiến của lính Hàn tại Việt Nam. Ở đó, những người lính Hàn được ngợi ca là những vị anh hùng chiến đấu bảo vệ cho phụ nữ, trẻ em… Việt Nam. Đó là một sự lừa dối xấc xược và trắng trợn !
Hơn nữa, không thể kể hết sự căm giận của người Hàn đối với người Nhật. Họ sẽ phải đối phó sao đây khi chính những điều người Nhật gây ra đối với dân tộc họ, sau đó họ lại gây ra cho người dân Việt Nam ?
Hiểu được tâm lý của những cựu chiến binh Hàn, sẽ hiểu được ý nghĩ của những người lãnh đạo Hàn.
Thông thường, những kẻ yếu trở thành nạn nhân của kẻ mạnh. Nhưng khi kẻ yếu mạnh lên, họ lại cư xử với kẻ yếu khác bằng chính điều mà họ từng là nạn nhân.
Một mặt khác, chiến tranh luôn có những điều u tối nhất mà bình thường con người không thể lý giải nổi.
Nhưng, ai có nợ thì người đó phải đi đòi. Không ai chờ đến lúc sự tử tế lương tâm mà kẻ khác tự động xin lỗi và trả lại món nợ đó.
Lịch sử vùng Đông Á thế kỷ 20 là những hận thù đan xen lẫn nhau. Người Hàn, người Trung Quốc căm thù những gì người Nhật đối xử với họ trong WW II. Đến bây giờ họ vẫn phản ứng kịch liệt người Nhật bởi những tội ác lính Nhật gây ra, nhưng chính phủ Nhật không thừa nhận trong SGK.
Nhưng sau đó, lính Hàn thảm sát tương tự với thường dân Việt Nam, nhưng chính phủ Hàn chưa một lần chính thức thừa nhận hay nói lời xin lỗi. Cũng không khác cách mà họ đang nhận được từ người Nhật !
Nhưng, hãy xem khi người Nhật chưa thừa nhận, thì người Hàn cư xử với lịch sử dân tộc của mình như thế nào ? Mỗi khi Nhật thay đổi nội dung SGK, những người Hàn biểu tình phản ứng dữ dội. Đến những tay anh chị xã hội đen ở Hàn cũng giận dữ chặt ngón tay mình, nói lên cái phẫn uất của quốc gia với người Nhật.
Khi người Nhật chưa thừa nhận đúng mức chuyện bắt phụ nữ Hàn làm nô lệ tình dục trong WW II, người Hàn dựng luôn bức tượng cô gái Hàn bị bắt làm nô lệ tình dục trước ĐSQ Nhật ở thủ đô Seoul để mỗi ngày người Nhật đi làm phải đối diện với bức tượng đó. Người Hàn còn nhân nhiều phiên bản bức tượng này ra thế giới, làm thêm bức tượng cô gái Trung Hoa bên cạnh để tố cáo tội ác của lính Nhật.
Gần đây nhất, bộ phim Đường trở về nói về những cô gái Hàn bị bắt làm nô lệ tình dục có lượng khách xem kỷ lục. Không ai đánh giá đó là bộ phim hay, nhưng có thể giải thích được là người Hàn đi coi đông vì đó là ý thức với lịch sử quốc gia của họ.
Với mức độ phản ứng như vậy, có ai nghĩ đến chuyện một ngày truyền hình Hàn hay Trung quốc sẽ chiếu một bộ phim ca ngợi lính Nhật, dù đó là hình ảnh trong thời bình với những câu chuyện hẹn hò, ý thức trách nhiệm tổ quốc và cứu hộ. Ở Hàn chắc không ai dám nghĩ về điều đó. Nhưng, bộ phim Hậu duệ mặt trời lại sắp được phát sóng ở Việt Nam (!)
Thảm sát thường dân là một mạch ngầm đau đớn trong dòng chảy lịch sử Đông Á thế kỷ 20. Thảm sát của lính Mỹ ở cầu Chugunri (Hàn Quốc), ở Okinawa (Nhật Bản), của lính Tưởng với người dân bản địa Đài Loan, của quân đội Hàn đối với chính người dân họ trong vụ thảm sát Jeju. Đó là thời tổng thống đầu tiên Lý Thừa Vãn, khi những người cộng sản Bắc Hàn rút ra khỏi Jeju, quân đội Hàn bắt đầu kéo lên đảo và thực hiện cuộc tàn sát. Đến 2/3 dân số trên đảo bị giết, chỉ những người trốn trên núi là sống sót.
Thảm sát của lính Hàn với thường dân Việt Nam trong chiến tranh đen tối không thua bất cứ vụ thảm sát nào của quân đội với thường dân trên thế giới. Hàng năm, những người tri trhức tiến bộ của Hàn Quốc trở lại miền Trung Việt Nam để tham dự tưởng niệm, để nói lời xin lỗi, ăn năn, để tìm hiểu một phần đen tối lịch sử của dân tộc họ ở một đất nước khác…
Nhưng sự thừa nhận và lời xin lỗi của họ không phải là đại diện cho cựu chiến binh, hay chính phủ Hàn Quốc.
Khi nhìn thấy ca sĩ Đông Nhi, Ông Cao Thắng, Bảo Anh ghép hình mình lên trang phục quân nhân Hàn Quốc, tôi tức điên người. Nhưng tôi hiểu lý do mà tôi không thể buông lời giận dữ với họ. Từ những năm 1980 đầu 1990, chính sách phương Bắc của tổng thống Kim Dea Jung chủ trương xích lại với các nước XHCN để tìm cách đối thoại với Bắc Hàn đã gặp chính sách mở cửa của Việt Nam. Những thỏa thuận kinh tế, tiền đầu tư đã làm lu mờ đi những trang sử. Vì vậy, tội ác của lính Hàn không được phổ biến. Nó chỉ được truyền miệng trong nỗi khiếp hãi của người dân miền Trung, chỉ được ghi trong các trang sự địa phương. Nó không được chú ý đúng mức trong sử liệu nước nhà.
Cũng như, chúng ta được tuyên rằng Mỹ là kẻ chủ mưu, kẻ thù chính. Còn Hàn Quốc chỉ là lính đánh thuê, là chư hầu của Mỹ nên không thèm đếm xỉa. (Cũng như chúng ta mải đánh Pháp 100 năm qua không để ý đến người Nhật ở VN 02 năm, dù người Nhật cũng kịp thời để lại 2 triệu người chết đói trong nạn đói năm Ất Dậu).
Nhưng không, quân đội của một quốc gia không thể nào là lính đánh thuê. Park Chung Hee gửi hơn 50.000 quân, chỉ đứng sau Mỹ. Quân đội Đại Hàn ở VN có bộ chỉ huy riêng, độc lập, không đặt dưới sự chỉ huy của ai. Mặc dù lính Hàn đến miền Nam Việt Nam với tư cách đồng minh, nhưng thảm sát thường dân là nỗi xấu hổ và là tội ác của bất kỳ quân đội nào trên thế giới.
Năm 2015, các cựu chiến binh Hàn kỷ niệm 50 năm ngày được phát binh sang VN. Buổi lễ có Phó Hội CCB VN tham dự. Lúc đó, phe bảo thủ Hàn đã mỉa mai những người dân chủ đòi CCB Hàn thừa nhận là có thảm sát ở VN rằng: “Các người nói lính Hàn đến VN gây tội ác, sao bây giờ CCB VN lại là đại biểu kỷ niệm ngày lính Hàn được phái binh?”.
Tôi sợ rồi đây, khi Hậu duệ mặt trời được chiếu trên truyền hình VN, sẽ có thêm những câu hỏi mỉa mai như vậy. Rằng nếu nói lính Hàn là nỗi khiếp đảm, sao bọn trẻ VN lại sung sướng khoác lên mình chiếc áo quân đội Hàn ?
Và giới trẻ Hàn tin rằng những bia kỷ niệm ở Hàn Quốc với hình ảnh lính Hàn bảo vệ phụ nữ, trẻ em VN là thật. Vì người dân Việt Nam một lần nữa chào đón hình ảnh quân đội Hàn với bộ phim hậu duệ mặt trời một cách nồng nhiệt!
Tôi không nói là mọi người không có quyền xem bộ phim. Nhưng nếu một ngày nào đó một bộ phim PR cho hình ảnh quân đội Hàn trên truyền hình VN thì tôi không có từ nào khác để chỉ điều đó đâu, ngoài chữ : sự ô nhục !
Tôi tin rằng nếu linh hồn những người dân thường của đồng bào tôi bị sát hại tức tưởi còn vất vưởng, chưa nguôi lòng để đi đầu thai thì họ vẫn coi phim Hàn. Nhưng nếu nhìn hình ảnh lính Hàn trên màn hình tivi, trái tim họ sẽ thắt lại. Bởi vì, những gì họ biết đã cướp đi mạng sống của họ, người thân, láng giềng, đồng bào của họ… không phải như vậy!
Tôi mong rằng những ai đó đừng vì đồng tiền mà giẫm chân lên những trang sử đau đớn và oan khuất của đất nước mình. Tại sao Đặng Tiểu Bình đánh ta, thì ta lại xuất bản sách ca ngợi Đặng Tiểu Bình ? Rồi lính Hàn thảm sát dân thường của ta chưa một lời ăn năn, hối lỗi. Nay chúng ta lại tung hô một bộ phim như Hậu duệ mặt trời ?
Chúng ta là những người gì đây ? Phải chăng chúng ta là những con người bị mất trí nhớ ?
Đừng nói quá khứ là chuyện đã qua, bộ phim chỉ là một sản phẩm giải trí. Quá khứ sẽ theo chúng ta đến tận hôm nay, và tương lai. Cũng như một đám đông cần sự giải trí và cuồng nhiệt đến đánh mất trí nhớ ?
Tôi viết ra một bài dài thế này mong rằng ai đó khi coi bộ phim thì cũng nên biết những gì đã diễn ra với đất nước mình. Hãy nghĩ đến những đồng bào mình đã bị thảm sát oan khuất thế nào mà không có được một lời ăn năn, một sự sám hối của những kẻ gây ra tội ác.
Cùng ai đó, xin hãy còn giữ lại chút nào của lòng tự trọng dân tộc ở mỗi hành vi, mỗi lựa chọn hàng ngày mà cá nhân chúng ta còn có thể…!
Xin hãy làm ơn!”
Ý kiến trên facebook Trần Vân Anh:
“Descendants Of The Sun – Hậu Duệ Của Mặt Trời – phim cũng chỉ là phim – xem cho vui đi đừng có quan trọng hoá vấn đề lên, please!
Mấy tuần rồi toàn thể quốc dân cứ rần rần về phim này. Nói thật là cảnh phim đẹp, diễn viên đẹp, quần áo đẹp, nhạc phim hay, nội dung thì khỏi cần bàn tới vì.. quá hay. Nhưng mà cái làm cho phim gây sốt chắc chắn là vì Song Joong Ki. Bởi vì, có tới 99% khán giả xem phim là nữ đủ mọi lứa tuổi.
Đàn ông đẹp trai ngời ngời, thẳng thắn thể hiện tình yêu, hài hước, có khả năng lãnh đạo, quyết đoán, trách nhiệm đầy mình và “có mùi” nguy hiểm luôn khiến phụ nữ phát cuồng, và đó là những yếu tố tạo nên thành công cho nhân vật đại uý Yoo Shi Jin.
Các cô gái trẻ rung động với tình yêu nồng nàn mà chàng trai trong mơ đem lại cho cô gái anh ta yêu.
Phụ nữ có gia đình bồi hồi với những kỷ niệm lãng mạn thời yêu nhau còn sót lại trong ký ức.
Đàn bà trung niên bỗng thấy niềm rạo rực của một thời thanh xuân bừng tỉnh sau nhiều năm ngủ quên trong một xó hoài niệm, thấy rằng có thời mình cũng từng được yêu như thế, dù ngắn dù dài.
Có điều, kiểu đàn ông trong phim này (và cả các phim khác của Hàn) là hình mẫu hoàn hảo, gần như không thể có trong một xã hội kiểu như Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhât Bản… Vì rằng, dưới hàng ngàn năm văn hoá, đàn ông ở những xứ này đa phần bảo thủ, gia trưởng, độc tài, không đủ yêu thương và vô cùng thiếu tôn trọng phụ nữ. Nên, đừng trách sao, khi có một người đàn ông trong mơ xuất hiện trên phim thì cả xã hội bỗng trở nên nhôn nhịp!
Khi một bộ phim có đầy đủ mọi yếu tố hấp dẫn thì dù nó được xây dựng trong một bối cảnh đầy hư cấu mà ai cũng biết, nó vẫn được yêu mến, bất chấp tất cả. Đàn bà là thế, đã yêu thì dù biết 100% nó không có thật, vẫn cứ yêu.
Vậy, xin đừng áp lên một bộ phim tình yêu xây dựng trên bối cảnh hư cấu ấy những quan điểm về lịch sử, chính trị, hay đạo đức như lòng yêu nước, lòng tự trọng… Phim ảnh kiểu này mang tính giải trí là chủ yếu. Mà giải trí thì miễn vui là được. Đó là chưa kể, sau vui thì đàn bà chúng tôi cảm thấy được vuốt ve an ủi, được mơ mộng, được hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm được người đàn ông hoàn hảo của cuộc đời mình!
Xã hội phát triển, nhiều thông tin đa chiều, nhiều lựa chọn trái ngược, chúng ta chọn lọc cái để nghe để nói. Nghe xong, ngẫm nghĩ và quyết định xem nên để đó hay nói ra cũng thể hiện mình có đủ phát triển hay không.
Ai xem phim và khen hay, xin cứ tiếp tục.
Cuộc đời ngắn ngủi, sao cứ phải đào nỗi đau của nhau lên mà xem thì mới thoả lòng hả dạ nhỉ?”
Thanh Thanh/Lifestyle