Giá tour tăng cao trở lại


Thị trường du lịch nội địa đang vào mùa cao điểm hè nên nhiều dịch vụ tăng giá, đẩy giá tour tăng trở lại.

Khi lượng khách tăng, nhiều dịch vụ bị quá tải, đẩy giá lên cao khiến giá tour cũng phải thay đổi theo. Chẳng hạn như giá vé máy bay, hồi tháng 6, chặng TP HCM đi Phú Quốc của Vietjet khoảng 1 triệu đồng (vé khứ hồi, bao gồm đủ thuế phí) thì nay mức giá đã từ 3,7 đến 4 triệu đồng nếu bay vào cuối tuần và khoảng 2,5 triệu đồng nếu bay các ngày đầu tuần. “Như vậy, chỉ tính riêng vé máy bay, đã có sự chênh lệch lớn về giá. Giá tour thời điểm này đã trở về mức bằng với cùng kỳ năm ngoái”, bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, Trưởng phòng Lữ hành công ty du lịch Hòa Bình Việt Nam nói.

 Giá tour tăng cao trở lại

Theo các doanh nghiệp du lịch, chi phí cho dịch vụ vận chuyển chiếm khoảng 50% giá tour. Khi giá vận chuyển tăng, giá tour cũng sẽ tăng theo. Trong ảnh, du khách tại sân bây Phú Quốc. Ảnh: Nguyễn Nam.

Đơn cử như tour Phú Quốc 3 ngày 2 đêm, giá tháng 6/2020 chỉ khoảng 4 triệu đồng/ khách, nay tăng lên 6,5 triệu đồng.. Lý giải về điều này, bà Hoàng Anh cho rằng, giá tour phụ thuộc nhiều vào giá các dịch vụ, trong đó giá vận chuyển chiếm khá cao. Vì thế, khi các hãng hàng không tăng giá vé, giá tour sẽ bị đẩy lên.

Thời điểm sau giãn cách xã hội, các doanh nghiệp hoạt động lữ hành trên cả nước cùng với hàng không, vận chuyển mặt đất, lưu trú… “bắt tay” cùng thực hiện chương trình kích cầu. Giá tour, vì thế cũng được kéo xuống khá thấp, giảm tới 70% so với trước để kích thích sức mua của người dân, thu hút khách du lịch nội địa. Tuy nhiên, ngay từ đầu tháng 7, khi bước vào mùa cao điểm của du lịch hè, lượng khách mua tour tăng trưởng cao so với hai tháng trước đó. Các doanh nghiệp du lịch cho biết, lượng khách mua tour trong tháng 7, tháng 8 tăng khoảng từ 50 – 70% so với tháng trước.

Xu hướng chung của khách thường chọn đi biển để tránh nóng. Hiện nay, khoảng 60 – 70% khách mua tour tại Vietravel đều chọn hành trình đi biển, đảo. Trong đó, các tour có điểm đến như Phú Quốc, Hạ Long, Quy Nhơn, Phú Yên… với thời gian 3 đến 4 ngày được khách đặc biệt quan tâm. Khoảng 30% khách còn lại chọn hành trình về các tỉnh miền Tây, du lịch sinh thái miệt vườn và những đường tour trải nghiệm mới. Một số điểm đến như Phú Quốc, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Đà Lạt luôn trong tình trạng quá tải. Lượng khách du lịch nội địa tăng trưởng đột biến khiến cầu vượt cung. Các dịch vụ cung ứng như vận chuyển (bao gồm cả hàng không và xe) và lưu trú không thể đáp ứng đã đẩy giá dịch vụ tăng khiến giá tour tăng trở lại.

Ông Lê Hòa Hiệp, Giám đốc công ty du lịch Hi Travel cũng khẳng định, giá tour tăng trở lại chứ không còn mức giá kích cầu như thời điểm tháng 5, tháng 6. “Bây giờ đang là mùa cao điểm du lịch nội địa. Vì thế, các đơn vị không còn ưu đãi với giá rẻ để kích cầu mà họ sẽ đẩy giá trở lại ngang mức cùng kỳ năm ngoái để tăng doanh thu, bù lỗ cho thời gian qua bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”, ông Hiệp nói.

 Giá tour tăng cao trở lại

Phú Quốc là một trong những điểm đến đang hút khách. Bình quân mỗi ngày, lượng khách đến với đảo ngọc khoảng từ 2.500 – 3.000 lượt khách. Ảnh: Nguyễn Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Định, lượng khách tới địa phương tăng trưởng cao, khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân, một phần vì Quy Nhơn đang là điểm đến mới nổi, hệ thống giao thông thuận tiện hơn so với những năm trước. Vì thế, thời điểm này, số lượng khách đoàn tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Hiệp cho biết thêm rằng, nhìn chung, các điểm đến liên quan đến biển, đảo đều hút khách mùa hè. Tuy nhiên, năm nay, ngoài Phú Quốc thì Bình Định và Phú Yên là điểm đến mới thu hút khách du lịch, đặc biệt lượng khách đến từ thị trường miền Bắc. Khi lượng khách tăng trưởng đột biến, trong khi dịch vụ lưu trú và vận chuyển không nhiều sẽ xảy ra tình trạng quá tải. “Khi nhu cầu tăng cao, không chỉ dịch vụ quá tải mà các đơn vị cung ứng vì lợi nhuận trước mắt sẽ đẩy giá lên khiến giá tour cũng phải thay đổi”, ông Hiệp nói.

Để giảm thiểu tình trạng quá tải dịch vụ; đồng thời chăm sóc và phục vụ du khách tốt hơn, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã chủ động tư vấn cho khách thay đổi điểm đến. “Giá tour tăng là điều tất yếu của mùa du lịch cao điểm. Tuy nhiên, quá tải dịch vụ khiến chất lượng tour cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, nhiều điểm đến tương đồng, dịch vụ luôn đáp ứng nên thường tư vấn thêm để mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng”, ông Hiệp nói.

Hiện nay, một số điểm đến như Nha Trang, Phan Thiết, Đà Nẵng… dù lượng khách tăng nhưng so với công suất dịch vụ không đáng kể. Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Nha Trang – Khánh Hòa cho biết, tổng số lượng phòng lưu trú của địa phương khoảng 70.000. Trong khi đó, hiện nay, mỗi ngày sân bay Cam Ranh chỉ phục vụ khoảng 16.500 lượt khách. “Để lấp đầy số phòng lưu trú, Khánh Hòa phải đón 140.000 lượt khách mỗi ngày”, ông Sơn nói. Hiện tại, một số khách sạn trên địa bàn vẫn chưa mở cửa hoạt động trở lại.

Theo VNexpress


Các tin cùng chuyên mục