Từ khi cầu Cổ Chiên nối liền hai tỉnh Bến Tre – Trà Vinh được khánh thành, sông Cổ Chiên bỗng được giới du lịch chú ý. Quả thật, dọc theo con sông chảy giữa ba tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh này là rất nhiều làng mạc trù phú, xinh đẹp đậm chất miền Tây Nam bộ. Trong đó, cù lao Dài (thuộc huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long), mảnh đất dài hai chục cây số như một viên ngọc xanh nằm giữa dòng sông nặng phù sa đã thu hút những đoàn khách theo tour chuyên nghiệp đầu tiên.
Để đến được cù lao Dài, du khách có thể đi đò ở bến Vũng Liêm hoặc qua phà Quới An – Quới Thiện, bến phà nhỏ trông hiền lành, người đi phà cũng dễ thương, không có sự gấp gáp, chen lấn, hối hả nhưở các bến phà khác. Trong nhiều năm, dòng Cổ Chiên nước lớn đã giữ cho cù lao còn nguyên vẻ mộc mạc thôn quê với những vườn trái cây trĩu quả và giai điệu đờn ca tài tử văng vẳng xóm làng. Đặt chân đến xã Thanh Bình, mùi mít và mùi sầu riêng thoang thoảng giữa không khí ẩm ướt của miệt vườn mùa mưa. Du khách thong thả đi dọc con đường nhỏ và nếu thích thì có thể xin vào thăm vườn trái cây của người dân địa phương. Chủ vườn đa phần ai cũng rất mến khách. Họ sẽ chọn trái ngay từ trên cây, cắt xuống và bổ ra cho mọi người cùng thưởng thức giữa không gian xanh mát. Ngoài đặc sản sầu riêng và mít vị đậm đà thì chôm chôm, bưởi, măng cụt… cũng không kém phần hấp dẫn.
Trước đây, cù lao thường xuyên bị ngập nước nên chỉ thuận tiện trồng lúa nước hay trồng lát. Ngày nay, nhờ có sự đầu tư xây dựng hệ thống đê bao, cù lao Dài trở thành vùng sản xuất nông nghiệp trù phú của huyện Vũng Liêm với những mặt hàng nông sản như trái cây ngon, cá da trơn, tôm nước ngọt… Riêng một sốấp ở đuôi cù lao thuộc xã Thanh Bình (như Bình Thủy, Thông Lưu), bà con vẫn còn giữ cây trồng truyền thống là cây lát. Cùng với trồng lát, từ lâu, người dân nơi đây đã biết đến nghề dệt chiếu, se lõi lát… Ở Bình Thủy, Thông Lưu, hầu hết các hộ gia đình đều có máy se lõi lát. Ấp Bình Thủy đã được tỉnh Vĩnh Long công nhận là làng nghề truyền thống.
Theo lịch sử tỉnh Vĩnh Long, nơi đây là một trong những làng điển hình về khai hoang lập ấp trên địa bàn trấn Vĩnh Thanh dưới triều vua Gia Long. Từ giữa thế kỷ thứ XIX, cù lao này được xem là một mô hình đẹp về làng mới, ruộng vườn liền mạch, đình chùa phong phú, nổi tiếng là nơi đông đúc, no đủ. Ở xã Thanh Bình hiện nay còn lại hai khu lăng mộ lớn được xây dựng cách nay khoảng 180 năm. Đó là khu lăng mộ bà Nguyễn Thị Tuyết (mẹ Thoại Ngọc Hầu) và lăng mộ của cha mẹ vợ ông (là ông Châu Vĩnh Huy và bà Đỗ Thị Toán) đã được ông xây dựng vào những năm ông làm trấn thủ Vĩnh Thanh. Hai khu lăng mộ này là chứng tích góp phần xác định cù lao Dài chính là quê hương thứ hai của Nguyễn Văn Thoại, tức Thoại Ngọc Hầu khi ông cùng gia quyến chạy loạn từ Quảng Nam vào đây.
Thăm thú cù lao xong, du khách thường ghé quán lá Vườn Dừa, nơi phục vụ những món ăn đặc sản dân dã mà thơm ngon. Khai vị thường là món bánh xèo. Bánh xèo ở đây có loại bột rất thơm và dẻo. Bí quyết là người dân dầm ngò gai lấy nước, đổ vào bột bánh xèo và bỏ lên chảo chiên, dùng rất ít dầu nên không ngấy. Nhân bánh cũng khá lạ miệng với nguyên liệu là con hến. Hến sông Cổ Chiên mang vị ngọt thanh và có màu rất trắng; quyện với vị béo của nước dừa trong bột bánh, vị bùi bùi chua chua của lá cát lồi, mùi nhẫn nhẫn của lá cách ăn thật hợp vị. Quán dân dã nên cách phục vụ cũng rất thân tình. Các cô, các chị đầu bếp sẵn sàng kiên nhẫn hướng dẫn du khách đổ từng chiếc bánh sao cho giòn rụm. Xong món bánh thì đến gỏi gà hấp rượu. Gà thả vườn thịt săn chắc trộn cùng lõi cây chuối non xắt nhỏ, vị tươi ngon ăn hoài không ngán. Rồi đến món canh chua cá nấu trái bần. Trái bần xinh xinh vị chua làm tô canh cá ngọt mà thanh, quyện thêm vị bùi của chuối thật khó quên.
Xế trưa, miệt vườn yên tĩnh rộn lên tiếng đàn ca của ban nhạc tài tử. Du khách dù không nhiều máu văn nghệ vẫn cứ bị cuốn vào lời ca tiếng hát trữ tình thấm đẫm chất miền Tây…
Theo (DNSGCT)