Có một Quần thể Phật giáo lớn phía Nam


Đi trên Quốc lộ 51 hướng từ thành phố Hồ Chí Minh đến Vũng Tàu, đoạn cây số 76-77, người đi đường sẽ không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy bên đường rất nhiều các ngôi chùa lớn và đẹp. Những ngôi chùa nằm giáp ranh với đường quốc lộ, ấy vậy mà, nếu ai dừng bước, ghé vào dâng hương, phút chốc chẳng còn nhớ nỗi phía ngoài kia xe cộ đang tấp nập ngược xuôi.

Truyền tích

Nơi đây là quần thể Phật giáo lớn ở phía Nam. Nếu phải kể tên thì mới đây chắc chắn không không dưới chục cái tên thiền viện, thiền thất, tinh xá nằm kề cận bên nhau. Đây Thiền viện Thường Chiếu, Thiền viện Linh Chiếu, Thiền viện Phước Hoa, kia chùa Tam Bảo, chùa Phước Huệ, tu viện Liễu Không, tu viện Trạm Viện… Không chỉ vậy bên cạnh Thiền viện Linh Chiếu còn có nguyên một khu chuyên khám bệnh và phát thuốc miễn phí.

chua thuong chieu Có một Quần thể Phật giáo lớn phía Nam

Người dân sống quanh đây kể rằng, Thường Chiếu, đó là danh xưng một vị Thiền sư Việt Nam nổi tiếng thời Lý. Sư họ Phạm, quê làng Phù Ninh, từng làm quan cho triều đình. Là một bậc trượng phu quân tử có tiết tháo, không khiếp phục uy quyền, xem thường công danh sự nghiệp ở đời, nên chốn quan trường đối với Sư chỉ như trò bọt bóng . Nghe danh Thiền sư Quảng Nghiêm ở chùa Tịnh Quả, Sư liền từ quan, tìm đến xuất gia học Thiền và đắc pháp luôn tại đây. Ngôi chùa Thường Chiếu thuở ban sơ cũng chỉ là một căn nhà lá, nằm trơ vơ trên một dãy đất cát trắng phếu với sỏi đá khô cằn. Sau hơn ba mươi năm hình thành và phát triển, thiền viện Thường Chiếu hôm nay thay da đổi thịt thành ngôi chùa thanh thoát và rợp ngời bóng mát. Ngày xưa hoang dã cây cỏ um tùm, hôm nay sạch sẽ tôn nghiêm. Xưa đi qua Thường Chiếu với con đường mòn, với chiếc cầu lắt lẻo vượt qua con suối cỏ dại phủ lấp bờ, với thiền đường vách đất phủ tranh, nay đi qua Thường Chiếu với đường mát thẳng dài, mái ngói đỏ tươi.

Thiền viện Linh Chiếu cũng ghi dấu bao câu chuyện lưu truyền. Năm 1980, thiện viện do hòa thượng ân sư thượng Thanh hạ Từ thành lập. Ngôi chùa đầu tiên cũng chỉ là ngôi nhà lá ba căn, vách đất. Gian giữa thờ Phật, tụng kinh và toạ thiền, hai bên dành cho ban Lãnh Đạo và thiền sinh ni ở. Hòa thượng giao trách nhiệm lãnh đạo cho ba Ni sư: Như Hạnh, Như Tịnh, Như Thành. Tổng số ni chúng ban đầu chỉ có 9 vị. Dần dần thiền viện phát triển cho đến ngày nay khang trang quy cũ, với tổng số ni chúng lên đến hơn trăm vị và còn có thêm một cơ sở từ thiện Tuệ Tĩnh Đường khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho dân nghèo. Đất hoang đã trở thành vườn xanh, mái lá được thay dần mái tôn rồi mái ngói. Tất cả đều do trí tuệ và lòng từ của Hòa thượng ân sư, công đức cũng như sự hy sinh tận tuỵ của quý Ni sư trong Ban Lãnh đạo cộng với toàn tâm toàn lực của chư ni chúng, tựu thành một Linh Chiếu như ngày hôm nay. Nhưng điều quan trọng nhất là hòa thượng Ân sư luôn nhắc nhở người con Phật phải tự lợi, lợi tha mới có thể thành tựu viên mãn Phật đạo. Vì vậy ngoài việc tự tu tự lợi, chư ni không quên quý Phật tử cũng như mọi người chung quanh, qua các công tác từ thiện của Tuệ Tĩnh Đường, công tác hoằng pháp… giúp thân tâm của họ ngày một an vui, quy hướng về Tam bảo, bớt khổ được vui. Còn rất nhiều truyền tích để lại từ mỗi một ngôi chùa ở nơi đây, mà nếu phải kể ra thì không bút mực nào tả xiết.

Cảnh đẹp

Nhắc đến quần thể Phật giáo lớn ở phía Nam này mà không nhắc đến cảnh đẹp trong chùa thì thật là điều cực kỳ thiếu sót. Đến thăm quần thể Phật giáo lớn này, đi đến đâu cũng bắt gặp những kiến trúc cổng tam quan, nội viện, thiền đường, chánh điện, thư viện với những mái ngói cong cong đậm nét xưa cũ. Khung cảnh ở đây còn ấn tượng với những tảng đá to viết chữ thư pháp, đề dạy những lời răn cho người cõi tạm và đầy thanh tao với các khuôn viên rộng trồng cây xanh bát ngát. Người đến viếng cảnh chùa, nếu không trầm trồ bởi những hàng rào đá phảng phất nét hoang sơ thì cũng giật mình khi ngắm những chiếc chuông to hay những cây đèn lớn đặt giữa sân chùa. Lại còn có rất nhiều những “kỳ quan” lạ mắt ở mỗi ngõ ngách trong khuôn viên chùa mà vẻ đẹp chỉ có người tận mắt chứng kiến mới cảm nhận được.

chua thuong chieu 2 Có một Quần thể Phật giáo lớn phía Nam

Dạo bước trên con đường đá nhỏ, thoắt chốc lại gặp những cội bồ đề uy nghi, lúc lại thấy những hoa đỏ, hoa vàng lạ lẫm rực rỡ. Con đường rợp bóng cây xanh tràn ngập sự yên tĩnh lâu lâu lại vang lên một hồi chuông ngân, như đưa hồn người vào cõi tịnh, để bao muộn phiền tan biến, bao bon chen chợt trả hết cho đời. Rồi đến khi chân chùng gối mỏi, người viếng cảnh chùa có thể ngồi tựa vào một phiến đá nào đó nghỉ chân, nghe văng vẳng lời giảng của các bậc sư đức cao vọng trọng, nghiền ngẫm lẽ “hơn thua được mất” ở đời.

Nơi đông người nhất ở quần thể này có lẽ là Tuệ Tĩnh Đường – nơi phát thuốc, chữa bệnh miễn phí. Cổng chùa mở rộng cho tất cả khách thập phương. Để có đủ thuốc phát cho tất cả mọi người, khuôn viên xung quanh Tuệ Tĩnh Đường hầu như chỉ dùng để trồng các cây thuốc. Dạo một vòng quanh nơi đây, dễ dàng thấy cái cảnh các tiểu ni đang tận tụy chăm sóc, vun trồng cho nhưng cây thuốc thêm tươi, thêm xanh, và cho người bớt bệnh, bớt khổ.

Tôi đến viếng cảnh chùa khi mặt trời ở đỉnh đầu, vậy mà mãi mê với cảnh non tiên, cửa phật, đến khi cất bước ra về, trời đã chập choạng. Ngó phía xa xa, thấy khung cảnh dần trở nên mờ ảo. Có người bảo do sương, có người nói vì các chú tiểu đốt lá. Chẳng biết ai đúng ai sai, chỉ biết người khách lỡ đặt chân đến đây không muốn bước ra về. Ngoài kia, ra khỏi cổng chùa là đường Quốc lộ ồn ào xe cổ, tất bật dòng người ngược xuôi.

Theo Song Song logo Lifestyle2 Có một Quần thể Phật giáo lớn phía Nam


Các tin cùng chuyên mục