Theo đánh giá của ông Tuấn, một trong những nguyên nhân khiến chất lượng sống của người Việt kém người Lào và Campuchia chính là do xăng, điện tăng giá.
Chất lượng sống Việt Nam kém Lào và Campuchia
Trang web dữ liệu lớn nhất về các thành phố và quốc gia trên thế giới – Numbeo.com vừa công bố đánh giá Việt Nam là quốc gia có chất lượng cuộc sống thấp bậc nhất trên thế giới với số điểm -13,89, xếp sau cả Lào và Campuchia.
Đánh giá xếp hạng trên của Numbeo.com dựa theo 7 tiêu chí: mức độ an toàn, chăm sóc sức khỏe, giá tiêu dùng, sức mua, giao thông đi lại, mức độ ô nhiễm và giá nhà đất so với thu nhập.
Dữ liệu được thu thập thông qua các khảo sát trực tuyến chứ không phải từ báo cáo chính thức của Chính phủ.
Chưa nói đến tính chính xác của kết quả điều tra, nhưng nhiều chuyên gia cũng phải thừa nhận, kết quả đánh giá của Numbeo rất cần thiết để tham khảo.
Không tỏ ra bất ngờ về con số này, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia ngành giao thông khẳng định, mức sống của người Việt thấp so với thế giới, chỉ hơn một số quốc gia Châu Phi.
Thực tế cho thấy, nhiều nơi người dân còn nghèo đói, trẻ em miền núi vẫn đi chân đất, trường học không có, chế độ phúc lợi xã hội còn nhiều khó khăn, tỉ lệ thất nghiệp cao, chiếm hơn 15% dân số.
Về an toàn giao thông, theo TS Nguyễn Xuân Thủy, giao thông Việt Nam còn tồn tại nhiều yếu kém, bất cập. Trung bình mỗi năm có gần 30.000 người tử vong và khoảng 9.000 – 10.000 người bị thương vì tai nạn giao thông.
Hạ tầng giao thông yếu kém nên việc đi lại của người dân còn nhiều khó khăn. Một ô tô, xe máy đang cõng theo gần chục loại phí.
Tuy nhiên, ông Thủy cho rằng, cuộc sống người dân Việt Nam cũng có tự do dân chủ nhất định, chế độ chính trị ổn định, không xảy ra tình trạng giết người, hay nạn khủng bố như nhiều quốc gia trên thế giới.
TS Đinh Thị Thanh Bình, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT (Trường ĐH GTVT Hà Nội) cũng thừa nhận các vấn đề giao thông tại Việt Nam tồn tại rất nhiều vấn đề phải xử lý, trong đó nổi lên là tình trạng kẹt xe, ô nhiễm khói bụi và tai nạn giao thông.
Xăng, điện tăng là nguyên nhân chính?
Có một thực tế không thể phủ nhận là giá tiêu dùng (xét về giá rau, củ, quả,nhà hàng, phương tiện đi lại và các dịch vụ hàng ngày khác) luôn tác động trực tiếp đến đời sống tinh thần cũng như chất lượng của người dân Việt Nam.
Mà một trong những nguyên nhân đội giá của các mặt hàng này đều bắt nguồn từ điệp khúc xăng, điện tăng giá.
Tính từ đầu năm đến ngày 19/6, đây là lần thứ 4 xăng tăng giá khiến không chỉ doanh nghiệp mà người dân cũng “đau đầu, chóng mặt”.
Nhiều người tiêu dùng tỏ ra bức xúc khi nhớ lại tuyên bố của Bộ Tài chính đưa ra trước tháng 5 rằng thuế môi trường không làm tăng giá xăng trong khi thực tế nó có tác động đến gá bán lẻ xăng dầu.
Bên cạnh đó, những ngày vừa qua, cư dân thủ đô lại giật mình, ngã ngửa vì hóa đơn tiền điện tăng lên gấp 2-3 lần, thậm chí có gia đình tăng đến 8 lần trong tháng vừa qua.
Sự tăng giá của mặt hàng điện khiến đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công thương phải thốt lên rằng: “Tăng giá, tăng giá và tăng giá.
Tăng rồi, tăng tiếp và tăng nữa! Đó là điệp khúc mà có lẽ ra đời từ thuở khai sinh ngành điện”.
Nực cười ở chỗ, mỗi lần phải “nghiến răng” móc ví trả tiền điện tháng sau cao hơn tháng trước thì nhà đèn lại lý giải là do thời tiết nóng, lượng điện tiêu thụ tăng cao.
Chuyên gia Fulbright Đỗ Thiên Anh Tuấn phải thừa nhận rằng, điệp khúc xăng, điện tăng giá tác động trực tiếp đến đời sống người dân, làm cho chất lượng sống của người dân ngày càng đi xuống. Đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
“Việc điều chỉnh xăng dầu ảnh hưởng đến nhóm người có thu nhập thấp, khoét sâu bất bình đẳng xã hội, nới khoảng cách giàu nghèo giữa người dân.
Trong khi đó, người giàu không chịu tác động đáng kể vì phần chi tiêu của họ cho mặt hàng này không chiếm phần quá lớn so với thu nhập của họ.
Chính điều này làm cho đời sống của người dân ngày càng tiêu cực hơn”, chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn khẳng định.