Trong lộ trình phát triển du lịch thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, Đà Nẵng đã xác định lợi thế đường thủy là lựa chọn tất yếu, nhằm mang lại những giá trị khai thác tốt hơn, kết nối với các tỉnh thành du lịch khác.
Lịch sử cùng sông nước
Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử thăng trầm của mảnh đất này, ai cũng hiểu Đà Nẵng khó tách khỏi bóng dáng sông nước. Với địa thế một đô thị có ba mặt giáp biển, một dòng sông Hàn chảy xuyên tâm và một hệ thống sông lạch nối kết khắp địa bàn, việc đi lại bằng đường thủy đã trở nên phổ biến ở đây.
Ông Nguyễn Văn Tương, nhà nghiên cứu sử học Đà Nẵng – Hội An từng tâm sự, để có được một Đà Nẵng hôm nay, người ta phải nhớ đến lịch sử bồi đắp của dòng sông Hàn cùng hệ thống con sông Cu Đê, Thu Bồn xứ Quảng. Cái tên Đà Nẵng từ gốc rễ Chămpa cũng hàm nghĩa Cửa sông lớn.
Lịch sử Đà Nẵng vì thế gắn với hình ảnh sông nước. Những cái tên Chợ Cồn, bến sông Hàn… luôn mang dáng dấp các con thuyền cắm sào chờ đợi nước lên. Sự thật đô thị Đà Nẵng cũng trở nên hưng thịnh sau khi có hải cảng Đà Nẵng, thay thế cho Cửa Đại Hội An.
Lịch sử xây dựng bảo vệ Đà Nẵng cũng liên đới chặt chẽ với dòng nước, từ quá khứ cha ông vượt biển vào đây, vua Minh Mạng tuần du Ngũ Hành Sơn, cho đến những trận hải chiến giữ cửa biển Đà Nẵng, thành Điện Hải, bán đảo Sơn Trà…
Thời kỳ hai miền chia cắt, Đà Nẵng cũng là thành phố tiền tiêu của chế độ miền Nam, được đánh dấu mốc phát triển kinh tế bằng những sự kiện ở cảng Tiên Sa, cảng sông Hàn, nhất là những hoạt động du lịch trên vịnh Đà Nẵng, dọc sông Hàn. Đã có thời điểm mô hình ca nô du lịch, dù bay, hoạt động thuyền buồm, lướt ván… được khai thác trên sông Hàn, phục vụ quân đội viễn chinh Mỹ tại Việt Nam.
Trong giai đoạn phát triển đô thị Đà Nẵng thời kỳ hội nhập kinh tế, đường thủy Đà Nẵng cũng được chú ý. Vấn đề du lịch đường sông ở Hòa Ninh Hòa Bắc (Hòa Vang) và đường thủy vòng quanh bán đảo Sơn Trà, khai thác vịnh Đà Nẵng đã nhiều lần được đưa ra, bàn thảo. Con đường sông Cổ Cò từ Đà Nẵng vào Hội An đã được ghi dấu “đỏ” trong mấy chục năm trời với khát vọng trở thành tuyến du lịch đường thủy “khôi phục quá khứ” quan trọng nối liền Đà Nẵng với các di sản ở Quảng Nam.
Cơ hội lớn cùng con nước
Theo một số chuyên gia du lịch nhìn nhận, điều đáng tiếc là trong hơn 10 năm chỉnh trang đô thị loại 1, Đà Nẵng đã quá chú trọng du lịch đường bộ, đường không, mà bỏ qua tiềm năng du lịch đường thủy. Những khu dân cư mới mọc lên, đã dần đẩy bóng dáng sông nước vào quá khứ, đánh mất nhiều tuyến sông lạch nội thị. Khi các cây cầu mới được mọc lên, sức mạnh du lịch đường thủy lại càng bị lấn át.
Tháng 5/2012, ngành du lịch Đà Nẵng và Quảng Nam đã ngồi lại, cùng bàn về việc khơi thông dòng sông Cổ Cò để mở lại tuyến du lịch Đà Nẵng – Hội An. Đây là sự khởi đầu thay đổi về tầm nhìn du lịch đường thủy Đà Nẵng. Ý tưởng nối liền dòng nước từ Hòa Xuân lên Bà Nà Hills (Hòa Ninh, Hòa Vang), từ bến sông Hàn ra đảo Ngọc và khu du lịch Hòa Vân… lại được các doanh nghiệp du lịch địa phương nghĩ đến. Đại diện Công ty Du lịch Biển Ngọc (Đà Nẵng) đánh giá, nối kết các điểm du lịch tại Đà Nẵng lại với nhau bằng đường thủy, qua đó mở rộng thêm những tuyến đi mới cho du khách, như dùng thuyền buồm vượt phá Tam Giang ra Huế, đi ca nô theo dòng Thu Bồn tìm lại cảm giác về làng dệt Duy Xuyên…, là cả một tiềm năng du lịch to lớn cho Đà Nẵng và cả miền Trung.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở VHTTDL Đà Nẵng cho biết, chính quyền địa phương và ngành chức năng đang hết sức chú ý để thúc đẩy hiệu quả những dự án khảo sát, thiết kế hạ tầng du lịch đường thủy địa phương. Một dự án khảo sát và khởi động khơi thông dòng chảy sông Cổ Cò về Hội An đã được Đà Nẵng tiến hành từ tháng 12/2012 đến nay, đang định hình nên những điểm nhấn đầu tư hạ tầng, điểm dừng du lịch quan trọng trên nhánh sông này.
Từ ngày 15/01/2013, chính quyền Đà Nẵng cũng đã phê duyệt 8 vị trí bố trí xây dựng bến đỗ du thuyền và cầu tàu du lịch trên sông Hàn, phân bổ đều mỗi bên bờ sông có 4 bến, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư bất động sản quan tâm. Với các dự án xây và chỉnh trang cầu qua sông Hàn, bài toán thuận lợi cho tàu thuyền du lịch hoạt động cũng đã tiến hành, trong đó dự án cầu Nguyễn Văn Trỗi được thiết kế hẳn một nhịp di động để cho phép các tàu du lịch ngược sông Hàn lên phía thượng nguồn dễ dàng.
Theo phác thảo của ngành du lịch Đà Nẵng, cho đến năm 2015, địa phương sẽ vận dụng đưa vào khai thác tuyến đường thủy trên sông Hàn một cách hiệu quả, cụ thể sẽ có các tour du lịch đi lại bằng ca nô giữa vùng sông nước từ Hòa Vang về trung tâm Đà Nẵng, tăng lượng tàu du lịch trên sông Hàn cùng các dịch vụ dù bay, dù lượn, lướt sóng… để hỗ trợ cho các chương trình lễ hội địa phương một cách hiệu quả. Đà Nẵng sẽ tích cực kêu gọi các doanh nghiệp du lịch địa phương tham gia đầu tư hạ tầng du lịch, xây dựng hệ thống tour tuyến hiệu quả và chuyên nghiệp hơn.
Theo Nhà đầu tư/ Lifestyle