Hoa atiso đỏ (hoa bụt giấm) có tên khoa học là Hibiscus subdariffla L., họ Bông (Malvaceae) có thể chữa được nhiều bệnh.Tên Atiso đỏ là cách gọi của người dân Miền Bắc dành cho cây Hibiscus.
Dưới đây là những công dụng chữa bệnh của hoa Atiso đỏ mà bạn nên biết:
Đài hoa Atiso đỏ có tác dụng chống co thắt cơ trơn, làm thư giãn cơ trơn tử cung, làm hạ huyết áp và có tính kháng sinh, trị ho, viêm họng. Kinh nghiệm dân gian là nhai ngậm đài hoa bụp giấm để trị viêm họng, ho.
Nước hãm đài hoa chứa nhiều Acid hữu cơ có tác dụng lợi tiểu, lợi mật, lọc máu, giảm áp suất mạch và kích thích nhu động ruột, lại có tác dụng kháng khuẩn và nhuận tràng. Lá cũng có tác dụng lợi tiểu, an thần và làm mát. Quả chống scorbut…
Bông hoa Atiso đỏ ngâm với đường và mật ong có tác dụng mát gan, giải nhiệt cho cơ thể trong những ngày hè nóng bức. Có thể phòng rôm sảy, mụn nhọt, táo bón… cho trẻ trong những ngày hè bằng cách cho trẻ uống hoa atiso ngâm đường hàng ngày. Các bé rất thích vị chua chua ngọt ngọt của loại nước giải khát này. Hoa Atiso đỏ sau khi ngâm có vị ngọt ngọt, chua chua và đặc biệt rất giòn, ăn rất ngon mà lại đảm bảo vệ sinh.
Sắc đài hoa mọng nước lấy nước uống hay hãm uống giúp cho tiêu hoá và trị các bệnh về mắt; Nó cũng dùng để trị bệnh tim và thần kinh, huyết áp cao, xơ cứng động mạch.
Bên cạnh công dụng chữa bệnh , hoa Atiso còn được dùng trong chế biến các món ăn.
Người ta thường dùng đài hoa có vị chua làm gia vị thay giấm, chế nước giải khát, làm mứt.
Ngoài ra đài quả Atiso còn dùng để chế biến món ăn như salat, nấu canh chua…
Quả Atiso ngâm đường là món ăn nhiều người rất thích.
– Cách làm:
+ Có thể để nguyên quả hoặc tách vỏ và hạt. Vỏ để làm siro, hạt để ngâm rượu hay cho hết vào ngâm siro cũng được.
+ Rửa nhẹ quả nhiều lần cho sạch bụi và kiến, để ráo nước, không cần để khô hết nước.
+ Cho quả vào lọ, cứ một lớp quả, một lớp đường. Đổ kín đường lên lớp quả trên cùng. Buộc kín miệng lọ.
+ Để qua 2 đến 3 ngày cho nước cốt quả ngấm ra. Trong thời gian đó, thỉng thoảng lấy thìa to ấn nhẹ cho quả ngập xuống nước cốt, tránh tình trạng quả bên trên bị mốc.
+ Qua 2 đến 3 ngày, sau khi đường đã tan (chỉ lắng đường ở dưới đáy lọ), đổ quả ra rổ; chắt nước cốt cho vào nồi to, đun sôi ở nhiệt độ bình thường; đến khi nước cốt sôi, lấy vợt vợt quả, trụng vào nỗi nước cốt quả đang sôi trên bếp (chỉ trụng một lần), nhanh tay vớt quả ra cho vào rổ khô, lần lượt như thế cho đến khi hết quả. Đun sôi lại nước cốt. Để thật nguội nước cốt và quả, sau đó đổ chung hai thứ vào lọ to khô, bịt kín, để nơi khô ráo.
+ Khi uống, pha siro cùng nước lọc, có thể uống ấm hoặc cho thêm đá.
+ Đài quả, sau một thời gian ngấm đường, trong như mứt lấy ra ăn giòn và rất ngon.
Theo saoonline.vn