“Bàn tiệc” gameshows Việt 2015 dường như đã lên sẵn thực đơn.
Món chính: Mì ăn liền tấu hài
Có ít nhất 5 chương trình hài nối nhau lên sóng truyền hình ngay từ những tháng đầu năm 2015. Màn ảnh nhỏ đang là sân khấu mới của các cây hài từ bắc chí nam, bởi hễ mở ti vi ra là có thể bắt gặp họ đang tung hoành, và đảm nhận gần như tất cả mọi vai trò: giám khảo, MC, khách mời lẫn thí sinh.
Chương trình hài tăng nhanh số lượng nhưng lực lượng nghệ sĩ hài có hạn, quanh đi quẩn lại cũng những gương mặt quen thuộc nên rất nhiều nghệ sĩ trở nên nhẵn mặt trên sóng truyền hình. Điều đáng nói là, các chiêu hài của các nghệ sĩ đều có giới hạn nên diễn hoài và diễn nhiều thành ra lặp đi lặp lại. Nhiều lúc để đỡ nhàm, nhiều nghệ sĩ buộc phải cương và tung hứng thêm ngoài kịch bản. Nhưng đâu phải nghệ sĩ hài nào cũng là biên kịch hài. Việc diễn không có kịch bản đã khiến các nghệ sĩ nhiều lần “đơ toàn tập” trên sân khấu và lắm lúc trở thành vô duyên. Ngay như danh hài Hoài Linh, không ai phủ nhận tài năng của anh, nhưng chạy sô quá nhiều khiến Hoài Linh dần dần bộc lộ sự mệt mỏi trong thời gian gần đây. Những câu bình luận, những động tác gây hài, tung hứng cũng lặp đi lặp lại nhiều.
Không chỉ “hài hóa” hàng ghế giám khảo và MC, nội dung của các chương trình truyền hình thực tế cũng đang chạy theo xu hướng hài kịch hóa. Cặp đôi hoàn hảo là một ví dụ. Không nổi bật về độ nổi tiếng của thí sinh, không nổi bật về giọng hát, Cặp đôi hoàn hảo gần đây dường như đang muốn thu hút khán giả qua tiếng cười. Những clip giới thiệu đều đậm chất hài. Khổ nỗi các ca sĩ chuyên nghiệp hay các thí sinh làm sao diễn hài nên cười không nổi…
Có thể nói, việc tạo ra tiếng cười cho khán giả cũng là một cách để kéo khán giả đến gần hơn với mình. Tuy nhiên, nếu các nhà sản xuất cứ lợi dụng các danh hài để cho ra đời các gameshow theo kiểu mì ăn liền: nhanh chóng, dễ chế biến, thì trước sau gì cũng khiến khán giả quay lưng vì sự thiếu bổ dưỡng của món ăn.
Tráng miệng: trái non chín ép
Những năm gần đây, khi cuộc đua của người lớn đã trở nên chán chường, không còn ăn khách nữa, các gameshow truyền hình dành chuyển sang khai thác trẻ nhỏ. Và doanh thu cho nhà sản xuất đã thấy rõ khi các cuộc thi “Giọng hát Việt nhí”, “Đồ Rê Mí”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí”, “Vũ điệu tuổi thơ”, “Gương mặt thân quen nhí”… luôn có tỉ lệ rating cao, nhờ lượng phụ huynh và fan nhí đông đảo. Mang danh là chương trình cho thiếu nhi, nhưng không ít chương trình kéo dài đến 23 giờ, chung kết thì đến nửa đêm mới kết thúc, vì clip quảng cáo chen vào liên tục, với mức giá cao ngất.
Cứ cái gì hái được ra tiền là người ta tích cực hái lượm, bất kể nhiều tài năng nhí bị khai thác quá đà đã phải hứng chịu những cơn cuồng hâm mộ từ dư luận, khen ngợi hết lời và “ném đá” cũng hết mình. Đôi khi phải chấp nhận một sự thật đắng cay: Các gameshow không còn là sân chơi của các em, mà đã biến thành cuộc đua của các nhà sản xuất, và là ước mơ đổi đời của không ít bậc phụ huynh.
Nhìn những bé trai thì gầy guộc, bé gái thì nhỏ xíu nhưng vẫn liên tục thể hiện những động tác uốn éo, lắc mông, bẻ hông, ưỡn ngực cố để đạt được độ gợi cảm và những điểm kỹ thuật của điệu nhảy mà thấy thương cho các bé. Chưa kể, việc một đứa trẻ 8 tuổi trở nên “người lớn hóa” khi khoe kỹ thuật điêu luyện với hình thức… múa cột trong cuộc thi nhảy, hay phải ăn mặc hở hang, quái dị để hoá thành những bản sao của người lớn. Việc già hóa các bé bằng bài hát người lớn, phong cách ăn mặc người lớn, thâm chí còn giả trai, giả gái để có những màn hóa thân xuất sắc trên sân khấu, thật sự là vấn đề đáng phải suy ngẫm.
Giải khát: trà đá âm nhạc
Cách đây nhiều năm, làn sóng gameshow ca nhạc bắt đầu nở rộ trên các đài truyền hình. Nhưng khi khán giả đã trở nên quá quen thuộc với một cái gì đó thì tất yếu họ sẽ dễ dàng đâm ra chán nản mệt mỏi và không còn mặn mà như trước.
Các chương trình gameshow hiện tại phải đi tìm khán giả thay vì để người xem phải háo hức chờ đợi như những ngày mới du nhập. Không chỉ riêng những show có thâm niên như Vietnam Idol, The Voice… mà ngay cả những lính mới: The Remix, X Factor… cũng phải tìm đường đến với công chúng. Ở Việt Nam không quá nhiều tài năng để đáp ứng các show truyền hình thực tế. Nên khi chất lượng nhạt dần, nhà sản xuất phải đau đầu trong việc tìm kiếm những nhân tố mới.
Tuy đã qua thời kỳ đỉnh cao nhưng âm nhạc vốn dĩ được xem là lĩnh vực nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống xã hội. Các gameshow ca nhạc vì vậy cũng giống như món trà đá giải nhiệt trong hệ thống giải trí hiện nay, trong khi chờ đời một cuộc cách tân mới từ thị trường âm nhạc Việt.
Theo Minh Thư/Lifestyle