Thành phố cổ Jerusalem – miền đất Thánh, nơi hội tụ của ba tôn giáo lớn: Hồi giáo, Cơ đốc giáo và Do Thái, được xem là nơi “bí ẩn” với những câu chuyện thêu dệt xung quanh câu chuyện về Đức Mẹ Maria và Chúa Jesu. Mỗi viên đá, bức tường hay con đường đều gợi lại lịch sử của thành phố này.
Thánh tích của các nền văn hóa lớn
Ngôi đền Mount cao khoảng 740m với mái vòm óng ánh sắc vàng trong ánh nắng chiều từng có bốn nền văn hóa lớn của thế giới nằm gối lên nhau: Do Thái, Hồi giáo, Kitô giáo và La Mã giáo đã in vết dấu ấn của bốn nền văn hóa tâm linh nói trên. Người Do Thái cho rằng, vua David xây dựng ngôi đền vào khoảng năm 957 TCN để tôn thờ các vị thần trong Do Thái giáo. Như vậy, ngôi đền Mount thuộc về người Do Thái. Người Kitô giáo lại cho rằng ngôi đền liên quan đến cuộc đời của Chúa Jesus. Người La Mã cho rằng nó là nơi thờ các vị thần trong truyền thuyết La Mã. Với các tín đồ Hồi giáo, Mount là ngôi đền tâm linh đứng thứ ba trên thế giới (chỉ đứng sau thánh địa Mecca và Medina ở Ả Rập Saudi) bởi Thánh Allah đã đi lên thiên đàng từ ngôi đền này. Ngôi đền này do các vị vua Hồi giáo xây dựng lại từ năm 691 SCN, mặt tiền hướng về thánh địa Mecca và mái vòm của ngôi đền được dát bằng vàng thật gần như là kiến trúc của người Hồi giáo.
Ngày nay, ngôi đền được bảo vệ nghiêm ngặt, không du khách nào được bước vào bên trong tham quan. Trong tháng chay Ramadan, đền mở cửa cho các tín đồ Hồi giáo hành hương với số lượng khách nhỏ giọt và việc hành hương phải có giấy phép đặc biệt.
Cạnh lối vào đền Mount là bức tường “than khóc”, nơi tín đồ Do Thái giáo đến cầu nguyện hằng ngày. Bức tường xây khoảng năm 19 TCN bằng đá vôi, bao bọc ngôi đền Mount là vật chứng duy nhất Do Thái giáo còn sót lại sau khi người La Mã đến đây. Cái tên “than khóc” được người Do Thái đặt cho bức tường như nhớ lại một quá khứ hào hùng về tổ tiên của họ khi đến đây lập quốc. Theo niềm tin và cung cách của mọi người Israel khi đến đây, du khách sẽ nhận một chiếc mũ truyền thống Israel (phát miễn phí) đội lên đầu, viết mong ước của mình vào một tờ giấy và nhét vào những lỗ nhỏ trên tường, áp sát mặt vào bức tường cầu nguyện những mong muốn sẽ thành sự thật.
Thành cổ Jerusalem
Thành cổ Jerusalem được chia thành 4 khu, được đặt tên theo sự sáp nhập dân tộc của cư dân. Những khu vực này hợp thành hệ thống vuông góc đường phân cách là những con phố nối từ cổng Damascus tới cổng Thiên đường (chia thành phố theo hướng Đông – Tây) và từ cổng Jaffa tới cổng Sư tử (Bắc – Nam).
Vào thành phố qua cổng Jaffa và đi trên phố David, du khách sẽ phân biệt rõ khu vực của người Cơ Đốc giáo ở bên trái, khu vực của người Armeni ở bên phải. Khu vực của người Do Thái nằm bên phải đường Do Thái, bên trái là khu Hồi giáo. Mỗi di tích nơi đây đều mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của tín đồ các tôn giáo.
Qua cổng Jaffa đi vào thành phố Jerusalem, sẽ nhận thấy tháp canh hình trụ được xây dựng 2.000 năm trước. Đây là một phần trong di tích thành lũy cổ. Trong thành lũy có sân chầu và bảo tàng trưng bày lịch sử. Ấn tượng nhất là khách sạn đá 500 năm tuổi mang tên Citadel Youth nằm ngay cổng Jaffa.
Chui qua một cái cửa bé xíu vào trong, du khách sẽ cảm nhận được một luồng không khí mát mẻ, thoang thoảng mùi hương trầm. Trước mắt du khách là một căn phòng cũng bé xíu, trần đá thấp lè tè, một bộ bàn ghế bằng đá phủ thảm len đỏ kê sát vách. Xưa kia, khách sạn này chủ yếu dành cho các lái buôn đến từ các nước Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ ở mỗi khi đến thành Jerusalem buôn bán. Nay khách sạn đã được tân trang đưa vào những thiết bị hiện đại như phòng tắm, bồn rửa mặt… dành cho mọi du khách.
Bên trong thành cổ Jerusalem, những con đường cổ gần 2.000 năm tuổi (được xây dựng vào năm 41-44 SCN bởi vua Agrippa) được lót một loại đá đặc trưng. Những viên đá gồ ghề không được mài láng cắt ra từ những khối đá nguyên theo dạng hình chữ nhật dài làm cho tôi có cảm giác chông chênh khi bước trong các con đường của thành cổ. Phố cổ Jerusalem cùng với thành cổ Tetouan và Fez (đều ở Ma Rốc) được xem là bảo tồn tốt nhất thế giới và giữ nguyên hiện trạng như mới xây dựng ban đầu. Cũng giống như các thành cổ khác, những con đường luôn chạy hun hút sâu, nối nhau ngoằn ngoèo như bát quái trận đồ dễ làm du khách bị lạc đường.