Nghiên mới được công bố trên tạp chí JAMA cho thấy đi bộ 7.000 bước mỗi ngày sẽ giảm 50-70% nguy cơ tử vong sớm so với người đi bộ ít hơn.
Nghiên cứu công bố hôm 3/9, do tiến sĩ Amanda Paluch, phó giáo sư Khoa Động học của Đại học Massachusetts phụ trách, sau khi theo dõi hơn 2.000 người tuổi 38-50 trong thời gian trung bình gần 11 năm.
Một kết quả khác từ nghiên cứu là tốc độ hay cường độ bước, hoặc số bước mỗi phút, không ảnh hưởng đến nguy cơ tử vong. Theo bà Paluch, theo dõi số bước mỗi ngày qua các ứng dụng trên điện thoại là cách tốt nhất để tăng cường sức khỏe.
Tiến sĩ Guy Mintz, giám đốc sức khỏe tim mạch tại Bệnh viện tim Sandra Atlas Bass, nhận xét: “Đây là một nghiên cứu rất hay với thông điệp tuyệt vời ‘Muốn sống thọ, chỉ cần đi bộ’. Không cần phòng tập gym, không cần thiết bị, chỉ cần bắt đầu đi bộ”.
Có nhiều người theo dõi số bước đi, nhưng không phải ai cũng có một mục tiêu rõ ràng. Theo I-Min Lee, giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard và nhà nghiên cứu về hoạt động thể chất, mục tiêu 10.000 bước thực chất là một “công cụ tiếp thị”.
Ý tưởng 10.000 bước mỗi ngày xuất phát từ một chiếc máy đếm bước chân của hãng Yamasa Clock tại Nhật Bản, được bán vào năm 1965. Thiết bị này được gọi “Manpo-kei”, nghĩa là đo 10.000 bước. Cái tên dần trở thành mục tiêu đi bộ hàng ngày của người dân trên toàn thế giới. Thậm chí, một số chiếc đồng hồ thông minh cũng cài đặt chỉ tiêu này.
Tiến sĩ Nicole Spartano, trợ lý giáo sư nghiên cứu tại Trường Y Đại học Boston, cho hay cần có một hướng dẫn quốc gia rõ ràng về số bước đi hàng ngày. Bà Spartano cho rằng tập thể dục chỉ giới hạn trong các hoạt động cường độ trung bình đến cao như chạy hoặc đạp xe là một quan niệm sai lầm phổ biến.
Khuyến nghị về số bước đi hàng ngày có thể giúp định hình lại quan điểm của mọi người về hoạt động thể chất, đồng thời giúp những người không thể thực hiện các bài tập vừa phải hoặc cường độ cao có được lựa chọn phù hợp hơn. Suy cho cùng, đi bộ nhẹ nhàng vào buổi tối vẫn tốt hơn ngồi không. Một nghiên cứu năm 2016 đăng trên tạp chí The Lancet kết luận những người ngồi từ tám giờ trở lên mỗi ngày có nguy cơ tử vong tăng 59% so với những người ngồi ít hơn bốn giờ.
Spartano nói: “Điều quan trọng là đưa ra các mục tiêu có thể đạt được cho những người hoạt động ít”. Theo bà, cách hiệu quả để thiết lập các mục tiêu là tham khảo Hướng dẫn Hoạt động Thể chất cho người Mỹ của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh. Hướng dẫn được ban hành vào năm 2008 và cập nhật vào năm 2018. Theo đó, người lớn nên di chuyển nhiều hơn và ngồi ít hơn, nhưng khuyến nghị không đề cập đến số bước đi cụ thể. Bà Paluch cho rằng việc đặt ra số bước đi tiêu chuẩn cho người Mỹ là một mục tiêu lớn, nhất là khi ngày càng có nhiều người chú trọng theo dõi sức khỏe.
Paluch và Spartano nhận định nghiên cứu trong tương lai về số bước sẽ hữu ích và cần thiết, đặc biệt là mối liên hệ của nó với các vấn đề như bệnh tiểu đường, bệnh Alzheimer và sức khỏe tâm thần. Cho đến lúc đó, chúng ta hoàn toàn có thể tập đi bộ nhiều hơn.
“Nếu bạn đang đi bộ ở mức 4.000 bước, hãy cố gắng nâng lên 5.000. Nếu bạn đang ở mức 5.000, hãy cố gắng lên 6.000. Bạn có thể làm điều này theo nhiều cách đơn giản”, tiến sĩ Paluch nói.
Mai Dung (Theo USA Today)