Lưu truyền hồn Việt qua câu chuyện chất liệu may Áo dài


Câu chuyện về chất liệu và lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc qua tà Áo dài đã được các học giả và chuyên gia chia sẻ tại buổi Tọa đàm “Chất liệu truyền thống may Áo dài” diễn ra vào 14/3/2019 tại Áo dài Exhibition, 77 Nguyễn Huệ, Quận 1. Chương trình nằm trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần VI năm 2019.

ao dai Viet Nam 3 Lưu truyền hồn Việt qua câu chuyện chất liệu may Áo dài

Diễn ra vào sáng 14/3/2019 tại Áo dài Exhibition, chương trình Tọa đàm “Chất liệu truyền thống may Áo dài” đã thu hút sự tham gia của đông đảo các tiến sĩ, thạc sĩ, các nhà nghiên cứu lĩnh vực văn hóa, du lịch; các nhà thiết kế Áo dài, các đơn vị hoạt động lĩnh vực văn hóa, du lịch; ban giám hiệu, giảng viên, sinh viên các trường đại học và công chúng yêu Áo dài. Tại đây, nhiều tham luận giá trị đã đưa người tham dự khám phá hành trình phát triển của tà Áo dài gắn với các chất liệu truyền thống từ những làng nghề dệt, cũng như sự biến đổi của Áo dài theo thời gian để phù hợp với nhịp sống của xã hội.

Các đại biểu tham dự cũng đã thẳng thắn trao đổi về những thuận lợi và khó khăn để tiếp tục giữ gìn chiếc Áo dài truyền thống và vải lụa truyền thống: sự sống còn của các làng nghề dệt truyền thống từ Bắc vào Nam; cách lựa chọn chất liệu vải, họa tiết, kiểu dáng Áo dài; giải pháp để tiếp tục lan tỏa tình yêu đối với chiếc Áo dài trong giới trẻ… Từ đó, hướng đến mục tiêu bổ sung tư liệu, hồ sơ công nhận nghề may Áo Dài là Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam trong tương lai gần.

ao dai Viet Nam 4 Lưu truyền hồn Việt qua câu chuyện chất liệu may Áo dài

Chia sẻ tại Tọa đàm, Ông Hồ Xuân Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dấu ấn Việt Nam (Vietnam Signature), đơn vị quản lý Bảo tàng Áo dài cho biết: “Sau thành công của hai Tọa đàm: “Lịch sử Áo Dài Việt Nam” và “Kỹ thuật cắt may, trang trí Áo dài” được chúng tôi tổ chức vào năm 2018, Bảo tàng Áo Dài đã tích lũy được nhiều tư liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn và xây dựng hồ sơ để đưa Áo dài trở thành di sản văn hóa dân tộc. Phát huy những thành công đó, chúng tôi tiếp tục tổ chức buổi Tọa đàm này nhằm bổ sung các tham luận, kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về chất liệu truyền thống và vai trò của chất liệu trong kỹ thuật cắt may Áo dài. Qua đó, công chúng chắc chắn sẽ hiểu rõ hơn, trân quý và góp phần thiết thực hơn trong công tác bảo tồn Áo dài như một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày”.

Đặc biệt, Nhà thiết kế Vũ Việt Hà mang đến buổi Tọa đàm bộ sưu tập “Áo dài lụa Hà Đông” như một minh chứng hùng hồn rằng trải qua bao thăng trầm trong nhiều giai đoạn lịch sử, nhưng người Việt Nam vẫn luôn giữ gìn và truyền nối để nét đẹp văn hóa của những tà Áo dài vẫn luôn tràn đầy sức sống, mang lại tình cảm yêu mến giữa bao trang phục hiện đại ngày nay.

ao dai Viet Nam 2 Lưu truyền hồn Việt qua câu chuyện chất liệu may Áo dài

Khẳng định giá trị của tơ lụa Việt Nam, PGS.TS. Hà Minh Hồng – Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQGHCM chia sẻ trong tham luận “Lụa và tơ lụa”, Kỷ yếu Chất liệu truyền thống may Áo dài: “Tơ lụa đã và đang là một trong những loại vải sang trọng nổi bật nhất trong các sản phẩm dệt may ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Lụa Việt Nam có đặc trưng chuẩn riêng là dệt 100% từ tơ tằm, lụa tơ tằm sờ vào rất mềm, mát, không nhăn, khử mùi rất tốt; họa tiết rất truyền thống và đơn giản được dệt chứ không phải họa tiết in.”

Bàn về sự kết hợp của tơ lụa và Áo dài, PGS.TS. Trần Thuận – Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQGHCM chia sẻ trong tham luận “Lụa phương Nam”, Kỷ yếu Chất liệu truyền thống may Áo dài: “Những tà Áo dài lụa đã tạo nên hình ảnh thướt tha, ấn tượng, tạo được nét đặc trưng văn hóa Việt. Áo dài lụa trước đây chỉ dùng trong giới quý tộc, thượng lưu, nhưng ngày nay đối tượng sử dụng lụa để may trang phục Áo dài ngày càng mở rộng ra, không chỉ trong nước mà cả nhiều nơi trên thế giới… Chính các nhà thiết kế góp phần đắc lực để tôn vinh giá trị Lụa Việt và đưa nó ra thế giới một cách dễ dàng và nhẹ nhàng nhất, hiệu quả nhất thông qua những bộ sưu tập thiết kế thời trang Áo dài Lụa Việt.”

ao dai Viet Nam 1 Lưu truyền hồn Việt qua câu chuyện chất liệu may Áo dài

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần VI năm 2019, đây là một chương trình thú vị và ý nghĩa do Sở Du lịch phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM và Bảo tàng Áo dài – Công ty cổ phần Dấu ấn Việt Nam tổ chức, với sự tài trợ của Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sunny World.

LC/Lifestyle

 

 


Các tin cùng chuyên mục